Cần bố trí chỗ ở lại cho công nhân ngoại tỉnh
Đồng thời thành lập và nâng cao hiệu quả các tổ phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K. Đó là kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh tại Hội nghị trực tuyến triển khai phương án phòng, chống dịch COVID-19 trong các KCN, CCN diễn ra chiều 5/7.
Công nhân Công ty TNHH Pavonine Vina (KCN B1-Tiến Hùng) trong giờ sản xuất. |
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu chính tại Văn phòng UBND tỉnh với điểm cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; các DN và chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN trong tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Xá, Phó Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 13 KCN đang hoạt động với 64.418 người lao động (trong đó có 1.590 lao động là người nước ngoài) làm việc tại 370 DN. Số lao động ngoài tỉnh là 33.565 người, trong đó có 1.560 lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên đi về mỗi ngày. BQL các KCN tỉnh đã yêu cầu các DN ngưng tổ chức xe đưa đón chuyên gia, người lao động hàng ngày ra ngoài tỉnh. Trong số này có 80% lao động được các DN tạm thời bố trí ở nhà làm việc online hoặc thuê khách sạn, phòng trọ tạm trú gần khu vực nhà máy, công ty. Một số DN đã bố trí chỗ ăn, nghỉ tại nơi làm việc cho người lao động để vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
Nhìn chung, các DN đã thực hiện tốt công tác hậu cần, bảo đảm an ninh trật tự và các điều kiện công tác phòng, chống dịch. Nhờ chủ động tốt các phương án nên tại thời điểm này chưa có trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 trong các KCN. Đến ngày 3/7, các KCN đã phát hiện 5 ca F1 và đã được cách ly ngay. Tất cả các trường hợp này đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
“Trong bối cảnh làn sóng dịch bùng phát lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi BR-VT có những ca bệnh trong cộng đồng, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào KCN rất cao. Điều lo lắng của các DN hiện nay là đã ký kết các đơn hàng đến cuối năm 2021, nếu không may có ca lây nhiễm COVID-19 thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do vậy, các DN mong muốn UBND tỉnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại KCN theo hình thức tự chi trả trong thời gian sớm nhất. Có như vậy, các KCN mới bảo đảm “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh”, ông Lê Xá đề xuất.
Thống kê của BQL các KCN tỉnh cũng cho biết, hiện đã có 136 DN đăng ký mua và cam kết sử dụng vắc xin tiêm ngừa cho hơn 43 ngàn người lao động với gần 90 ngàn liều. BQL các KCN tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, Sở Y tế sớm thông báo về thời gian nhập và kế hoạch tiêm ngừa vắc xin cho người lao động của các DN đã đăng ký.
Đại diện các DN có lao động sinh sống ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh hàng ngày phải qua các chốt kiểm dịch để vào các KCN trên địa bàn tỉnh cũng đề xuất, hiện nay người lao động phải làm việc 6 ngày/tuần, do đó cần xem xét tăng thời hạn giấy xét nghiệm COVID lên 1 tuần để người lao động không mất nhiều thời gian đi xét nghiệm (hiện nay, giấy có giá trị trong 5 ngày). Trong khi đó, nhu cầu xét nghiệm quá đông mà các điểm xét nghiệm chưa đáp ứng đủ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh phân tích, toàn tỉnh hiện có khoảng 20% lao động ngoài tỉnh đang đi về hằng ngày. Để tránh tình trạng lây nhiễm dịch, tỉnh đề nghị các DN tính toán, sắp xếp cho công nhân, người lao động ăn, ở tại chỗ; tuân thủ các biện pháp 5K, xây dựng các phương án phòng, chống dịch, thành lập các tổ phòng, chống dịch tại DN. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DN thực hiện các biện pháp giãn cách tại nơi làm việc, tổ chức cho người lao động vào ca, tan ca lệch giờ để hạn chế tập trung đông người; không tổ chức hội họp, các sự kiện tập trung đông người; kiểm soát tốt việc đưa đón công nhân, chuyên gia đến nơi làm việc hàng ngày. Các DN có sử dụng lao động người nước ngoài cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh đã được bảo lãnh nhập cảnh, theo dõi sức khỏe sau khi hoàn thành cách ly, quản lý và sử dụng người lao động nước ngoài đúng quy định. Ông Nguyễn Công Vinh khẳng định, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho người dân. Do đó UBND tỉnh rất cần sự ủng hộ, đồng hành của các DN, cùng chính quyền nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch COVID-19. Về vấn đề đăng ký mua và sử dụng vắc xin, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Trung ương hỗ trợ vắc xin cho tỉnh, khi có nguồn sẽ thông báo rộng rãi tới các DN.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN