.
TỪ NGÀY 1/7, TP. HỒ CHÍ MINH THU PHÍ HẠ TẦNG CẢNG BIỂN

Nỗi lo phí chồng phí

Cập nhật: 19:59, 25/06/2021 (GMT+7)

Từ ngày 1/7, TP. Hồ Chí Minh sẽ thử nghiệm thu phí hạ tầng cảng biển, với mức thấp nhất là 30 ngàn đồng/tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại hàng hóa và container. Thông tin này khiến các DN xuất khẩu trong tỉnh lo lắng vì hiện nay 80% DN làm thủ tục hải quan tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/7. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại cảng TCIT.
Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh sẽ thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/7. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng container tại cảng TCIT.

Theo các DN xuất khẩu, cùng với việc “gồng mình” chống chọi với cước tàu biển và cước thuê container tăng gấp 8-10 lần như hiện nay, các hãng tàu nước ngoài còn thu thêm nhiều loại phí khác như: Phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container, phí làm lạnh, phí thủ tục… Do đó, việc phải “gánh” thêm một khoản phí hạ tầng cảng biển nữa sẽ khiến DN đã khó càng thêm khó.    

  Trước đó, tháng 12/2020, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn thành phố. Khoản phí này áp dụng đối với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu tại tất cả cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50 ngàn đồng/tấn (hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container); 4,4 triệu đồng/container 40 feet và 2,2 triệu đồng với container 20 feet. Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức 500 ngàn đồng/container 20 feet; 1 triệu đồng/container 40 feet và 30 ngàn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Các DN xuất khẩu tính toán, nếu xuất nhập khẩu mỗi tháng từ 100 container 40 feet thông qua cảng Cát Lái, cộng thêm phí hạ tầng cảng biển, DN sẽ tốn thêm 100 triệu đồng/tháng. Lý giải vì sao không làm thủ tục hải quan tại Cái Mép, các DN cho rằng do hãng tàu/đại lý phần lớn tập trung tại TP. Hồ Chí Minh nên các DN chọn thông quan hàng hóa tại đây cho thuận tiện.

Nhiều DN cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh nếu thêm phí hạ tầng cảng biển. Khi các mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá, việc thu phí này làm giảm sức cạnh tranh của DN, khiến hàng xuất đi chênh lệch lớn so với các đối thủ ngoại. 

Trước thực trạng đó, Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến ngày 1/10 thay vì ngày 1/7 để hỗ trợ DN trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng đã kiến nghị TP. Hồ Chí Minh hoãn thu phí hạ tầng cảng biển đến tháng 7/2022. Theo VLA, trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch, thì khoản tăng thêm chi phí sử dụng dịch vụ sẽ trở thành rào cản lớn cho các DN Việt Nam. Qua đó, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc tế trong hoạt động kinh doanh. Do vậy, việc lùi thời gian thu phí cảng biển sang năm 2022 sẽ phần nào giảm bớt áp lực, khó khăn về tài chính vận hành các chuỗi cung ứng của DN trước tác động kéo dài của dịch.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

.
.
.