.

Chuyện về những doanh nhân "khởi nghiệp xuất sắc"

Cập nhật: 20:04, 24/06/2021 (GMT+7)

Câu chuyện khởi nghiệp của 3 doanh nhân trẻ Ong Thị Thanh Nguyệt, Giám đốc Công ty Nội thất Nguyên Á; Đinh Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH nhà Vũng Tàu và Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty CP mực nhảy Biển Đông là những tấm gương truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, mang đến giá trị cho cuộc sống. Họ là những doanh nhân trẻ tiêu biểu được vinh danh “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” năm 2021 - sự kiện do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6/2021.

Anh Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty CP mực nhảy Biển Đông bắt tay hợp tác với 1 đối tác trong việc phân phối sản phẩm mực nhảy.
Anh Nguyễn Bá Ngọc, Giám đốc Công ty CP mực nhảy Biển Đông bắt tay hợp tác với 1 đối tác trong việc phân phối sản phẩm mực nhảy.

Từng có một tuổi thơ lam lũ, nhà nghèo phải bỏ học theo cha mẹ bám biển mưu sinh, Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1988) giờ đây đã trở thành một doanh nhân thành đạt.

Trước khi trở thành giám đốc Công ty CP mực nhảy Biển Đông, Nguyễn Bá Ngọc từng lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề như: đi biển đánh cá, làm công nhân, tài xế lái xe… Anh cũng đã từng thất bại khi khởi nghiệp với công việc kinh doanh gạch tranh 3D. Trong quá trình đó, anh Ngọc đã tích góp thêm kinh nghiệm và nung nấu ý tưởng khởi nghiệp ở một lĩnh vực mà mình đam mê và có hiểu biết nhiều nhất. Suốt những năm “ vào lộng, ra khơi” cùng bố mẹ, anh Ngọc đã hiểu được công việc của ngư nhân, quá trình khai thác và đánh bắt hải sản. Anh nhận thấy, trong tất cả các loại hải sản thì mực là loại khó bảo quản nhất sau khai thác. Bởi chỉ cần đưa lên bờ 30 giây là mực đã chết. Nếu làm cho mực sống bơi được trong nước (mực nhảy) ngay cả khi đánh bắt đưa lên bờ cho đến khi đến tay người tiêu dùng thì lợi nhuận sẽ rất cao, ngư dân cũng có thu nhập tốt. Sau nhiều năm nghiên cứu tập tính con mực, anh Ngọc đã thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. Sau khi đánh bắt xong, mực được ngư dân đưa vào hộp thông thủy nên vẫn sống như trong môi trường biển bình thường. Sau khi đưa mực lên bờ có hệ thống lồng bè, bể bơi và cả bể bơi trên các bồn xe tải vận chuyển mực nhảy tiêu thụ khắp thị trường từ Nam đến Bắc.

Anh Ngọc chia sẻ, sau khi thành công với mực nhảy, anh đã bao thu mua cho 20 thuyền câu mực của ngư dân ở Nha Trang, Ninh Thuận và BR-VT với mức giá thu mua từ 230-300 ngàn đồng/kg (cao gấp 2-3 lần so với giá mực chết). Ngoài ra, mực nhảy còn có trọng lượng nặng hơn nên người dân bán mực nhảy được lợi nhuận cao hơn. Tại BR-VT có 2 ngư trường lớn là Bình Châu và Phước Tỉnh cho nguồn cung cấp mực nhảy ổn định.

Chương trình bình chọn Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức. Chương trình không chỉ tôn vinh các doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc mà còn tạo sức lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp. Các cá nhân được xét trao danh hiệu là công dân Việt Nam không quá 35 tuổi; quản lý, điều hành DN hoạt động hiệu quả, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển cộng đồng. Lễ trao danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 6/2021.

Dám nghĩ khác và có cách làm sáng tạo, Nguyễn Bá Ngọc đã thành công với lĩnh vực kinh doanh, phân phối mực nhảy khắp thị trường các tỉnh từ Khánh Hòa, Ninh Thuận, BR-VT, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Năm 2019, anh Ngọc thành lập Công ty CP mực nhảy Biển Đông tại TP. Vũng Tàu và 2 chi nhánh tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, doanh thu mỗi tháng của công ty khoảng 700 triệu đồng. Không chỉ giúp ngư dân có được lợi nhuận cao nhất từ đánh bắt hải sản, anh Ngọc còn ấp ủ quá trình nhân giống và nuôi mực trong môi trường tự nhiên tại Côn Đảo trong tương lai. “Nếu năm 2024, việc nhân giống và nuôi mực thành công, ước tính sản lượng có thể đạt 150 tấn/tháng, mở rộng tới 50 ngư trường và 50 thị trường tiêu thụ sản phẩm mực nhảy, tương đương mang lại cho ngư dân 30 tỷ đồng mỗi năm”, Ngọc nhẩm tính.

Anh Đinh Tiến Dũng (trái), Giám đốc Ruby Homes tặng quà tri ân cho đối tác.
Anh Đinh Tiến Dũng (trái), Giám đốc Ruby Homes tặng quà tri ân cho đối tác.

Đinh Tiến Dũng (sinh năm 1986), Giám đốc Công ty TNHH nhà Vũng Tàu, hiện đang sở hữu hệ thống biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng với thương hiệu Ruby Homes. Năm 2019, anh từng là 1 trong 72 doanh nhân trẻ được vinh danh trong Lễ trao giải Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc năm 2019. Ở thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch dường như đang phải “ngủ đông”, nhưng Đinh Tiến Dũng vẫn lọt vào vòng chung tuyển cuộc thi “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021”. Có lẽ bởi trong khó khăn, việc duy trì hoạt động của 1 DN du lịch như Ruby Homes hẳn phải có một chiến lược phát triển rất tốt. Dũng đang vượt qua thử thách đó như thế nào? Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Dũng cho biết, Ruby Homes đang ở thời kỳ đỉnh cao, anh muốn mở rộng quy mô hoạt động ở một số địa phương khác nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh buộc phải thu hẹp lại từ 30 căn biệt thự còn 11 căn. Với phương châm “tăng thu, giảm chi, tích cực điều đình”, chuyển từ cho thuê ngắn hạn sang cho thuê dài hạn nên suốt mấy tháng qua anh Dũng đang cố gắng duy trì hoạt động của công ty để nhân viên có việc làm. Nếu như năm 2019, doanh thu của công ty đạt 30 tỷ đồng/năm thì năm nay dự kiến khoảng 14 tỷ đồng. “Nhưng việc mà tôi phải làm lúc này tinh giản lại bộ máy, tu bổ kiến thức trong xây dựng hệ thống quản trị DN và đón đầu những xu hướng du lịch nghỉ dưỡng mới… Hy vọng hết dịch, chúng tôi sẽ phát triển tốt hơn”, anh Dũng nói.

Chị Ong Thị Thanh Nguyệt, Giám đốc Công ty Nội thất Nguyên Á (trái) trao đổi các sản phẩm mới trên cataloge với nhân viên.
Chị Ong Thị Thanh Nguyệt (trái), Giám đốc Công ty Nội thất Nguyên Á trao đổi các sản phẩm mới trên cataloge với nhân viên.

Trong 3 doanh nhân của BR-VT lọt vào vòng chung tuyển cuộc thi “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2021” chỉ có 1 doanh nhân nữ. Đó là chị Ong Thị Thanh Nguyệt, Giám đốc Công ty Nội thất Nguyên Á. 34 tuổi, chị Nguyệt đã có nhiều năm lăn lộn trong lĩnh vực kinh doanh, thành công có, thất bại có. Năm 2015, chị quyết định chuyển sang lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nội thất và sofa như: bàn, ghế, giường, tủ, kệ ti vi… Với 2 cửa hàng trưng bày (địa chỉ 375, đường 2/9; 619 Trương Công Định) và 1 xưởng sản xuất tại 116, Đô Lương (TP. Vũng Tàu), từ doanh thu vài trăm triệu mỗi năm, năm 2020 doanh thu của công ty đã đạt mức 5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15-25 người. Kể về những ngày đầu mới khởi nghiệp, chị Nguyệt cho biết: “Hồi đó, vốn điều lệ của công ty chỉ 300 triệu đồng nên tôi phải gói ghém tất cả mọi thứ. Lúc đó, tôi không dám thuê nhân viên nhiều, chủ yếu là vợ làm maketing bán hàng, chồng phụ trách kỹ thuật và sản xuất. Có những lúc khó khăn, tưởng chừng phải bỏ cuộc vì sản phẩm ngoài thị trường họ bán với giá quá rẻ, không cạnh tranh nổi. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược lấy uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Vì vậy, qua nhiều năm, chúng tôi đã có lượng khách hàng ngày càng lớn”.  

Câu chuyện của 3 doanh nhân trên cho thấy, mỗi người khởi nghiệp bằng những con đường khác nhau, nhưng sau bao vất vả, thậm chí có những khó khăn không thể lường trước nhưng cuối cùng họ đã cùng đi chung trên một con đường-con đường của thành công. Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng nhưng nếu có đam mê, có niềm tin và có định hướng tốt thì thành công không phải là con đường nào xa vời, ở phía trước chúng ta thôi.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.