Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản

Thứ Năm, 03/06/2021, 21:02 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 3/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã chủ trì hội nghị “Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19”. Hội nghị nhằm tìm kiếm giải pháp phù hợp với tình hình mới, tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Tình hình tiêu thụ nông sản trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.  Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Tình hình tiêu thụ nông sản trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

NÔNG SẢN KHÓ TIÊU THỤ

Từ đầu năm tới nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả, sức tiêu thụ của nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Hiện các địa phương đang thu hoạch nông sản như: nhãn, vải, thanh long, khoai lang tím... đều gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Cùng với đó, chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh tăng cao, tạo áp lực về tài chính cho các DN. Việc phân luồng nông sản ở các cửa khẩu, nhất là ở các tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai đang gặp khó khăn, yêu cầu hàng rào kỹ thuật tại các nước trong kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao... Đối với thị trường xuất khẩu, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay tại thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu lớn. Đơn cử như Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh nhập khẩu do lo ngại rủi ro lây truyền dịch bệnh COVID-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa xuất khẩu của nước ta gặp khó khăn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc... đã gây nên hạn chế lớn trong quá trình xuất khẩu nông sản hiện nay.

Tại BR-VT, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các cơ sở trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn trong tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm do hàng hóa ít tiêu thụ được. Một số DN đã tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, công suất khoảng 20-40% so với thời gian chưa có dịch bệnh xảy ra, do phải lưu kho hàng, các cơ sở chịu chi phí bảo quản tăng cao hơn trước. Các DN chế biến thủy sản, sản lượng nguyên liệu đầu vào bị giảm khoảng 40 - 50% do các tàu khai thác thủy sản nằm bờ, dẫn đến ảnh hưởng công suất giảm 50%, sản lượng bán trong nước giảm 60 - 70%, xuất khẩu giảm 50%. Ngoài ra, một số cơ sở buộc phải cắt giảm lao động thời vụ, bố trí làm việc luân phiên ca, giảm 30% lương, một số cơ sở đã cho nhân viên nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Hàng trăm tấn cá lồng bè tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu tồn đọng  vì không có người mua.
Hàng trăm tấn cá lồng bè tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu tồn đọng vì không có người mua.

THÁO GỠ RÀO CẢN VỀ KỸ THUẬT

Theo các đại biểu tham dự hội nghị, một trong những vướng mắc khó khăn nhất hiện nay để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam là rào cản về kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị hiện đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang… Cục cũng đang phối hợp và hỗ trợ địa phương và DN xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; chuyển giao và hỗ trợ các DN, địa phương thực hiện các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phục vụ xuất khẩu.

Liên quan đến sản phẩm động vật, Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, xuất khẩu sản phẩm động vật có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, hiện đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được sữa, mật ong, thịt gà chế biến… “Cục Thú y đang tham mưu Bộ NN-PTNT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án ưu tiên về tăng cường năng lực phòng, chống dịch bệnh, trong đó, tập trung xây dựng các vùng cấp huyện, liên huyện hoặc tỉnh an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo và ứng phó hiệu quả dịch bệnh”, ông Long thông tin thêm.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, hiệp hội đề xuất cần mở cửa thị trường, cung cấp thông tin về rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu cụ thể; xử lý các vướng mắc kỹ thuật như quy trình kiểm dịch động thực vật, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc... đối với nông sản của thị trường xuất khẩu; giải quyết khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của DN khi các địa phương áp dụng các biện pháp tăng cường chống dịch COVID-19.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa qua Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thành lập các đoàn khảo sát vùng nguyên liệu chính đang vào vụ thu hoạch, lên một số cửa khẩu có lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn để kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, lực lượng cán bộ kiểm dịch ứng trực 24/24h để giải quyết các điều kiện kỹ thuật cho các loại nông sản phục vụ xuất khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Bộ NN-PTNT đang xây dựng 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch COVID-19 tại Hà Nội và 10 điểm ở các tỉnh, thành phố khác. Tuần tới, Bộ NN-PTNT làm việc với 9 DN bán lẻ để xem xét thành lập Hiệp hội tiếp thị nông sản Việt Nam; phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu về nguồn cung, bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc thường xuyên để các trung tâm bán lẻ, phân phối lớn xử lý dữ liệu, có kế hoạch chủ động kết nối nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-9 diễn biến phức tạp. “Bộ NN-PTNT đang hướng đến việc xây dựng các mô hình chuỗi khép kín với sự tham gia của các DN, HTX, chủ thể sản xuất... Bộ đánh giá các mô hình chuỗi khép kín này sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản  trong mùa dịch” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.