Tắc nghẽn giải ngân vốn vay ODA

Thứ Hai, 14/06/2021, 22:17 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 14/6, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố  “Đánh giá  tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài  5 tháng đầu năm 2021. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân trong những tháng còn lại của năm 2021. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu tham quan nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (TP. Vũng Tàu) trong ngày khánh thành  vào tháng 7/2020, dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. ảnh: VÂN ANH
Các đại biểu tham quan nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (TP. Vũng Tàu) trong ngày khánh thành vào tháng 7/2020, dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. ảnh: VÂN ANH

37 ĐỊA PHƯƠNG TỶ LỆ GIẢI NGÂN LÀ 0%

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2021, tình hình giải ngân vốn đầu công rất thấp. Tính đến đầu tháng 5, giải ngân vốn đầu tư đầu tư công các tháng đầu năm đạt hơn 86.010 tỷ đồng, bằng 18,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (18,98%). Trong đó, vốn trong nước đạt hơn 20%; vốn nước ngoài đạt hơn 2%. Như vậy, tốc độ giải ngân vốn ODA đang rất thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (5,92%).

Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 5, mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%.  37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Cũng theo báo cáo Sở KH&ĐT tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ cho các dự án trên địa bàn tỉnh BR-VT gần 7.057 tỷ đồng; trong đó dự án trọng điểm 755 tỷ đồng, dự án hạ tầng giao thông kết nối 735,5 tỷ đồng, các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội hơn 5.524 tỷ đồng, 16 dự án, đồ án quy hoạch 42 tỷ đồng. Tính đến 21/5, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý mới đạt hơn 1.223 tỷ đồng, đạt 16,4% kế hoạch. Đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh đã khởi công 16/61 dự án, đang đấu thầu xây lắp 8 dự án, 37 dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục.

Theo phản ánh của các địa phương, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân đầu tư chậm là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuyên gia không sang được; nhập vật tư thiết bị ở nước có dịch; thiết bị của dự án thay đổi theo yêu cầu của nhà tài trợ; hợp đồng vay vốn trình tự kéo dài. Ngoài ra, do không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán (chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm,…); chậm xử lý đơn rút vốn; chậm đấu thầu; vướng mắc trong thực hiện hợp đồng; chậm triển khai công việc và xác nhận khối lượng hoàn thành; chậm tổng hợp hồ sơ đề nghị rút vốn.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư nói chung cũng như vốn vay nước ngoài chậm đã ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội và thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách 2021. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác trong triển khai các chương trình dự án. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị, từ nay đến cuối năm, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải tích cực, quyết liệt triển khai các dự án của mình. Trong đó, có việc hoàn tất thủ tục đầu tư, triển khai về giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ để thanh toán theo quy định, hoàn lại các chứng từ hồ sơ đối với khoản tạm ứng để thu ghi chi…

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ lại dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án. Trong thẩm quyền được giao, chủ động điều chỉnh dự toán và báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính trong trường hợp giảm dự toán được giao. Ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai, thực hiện trên địa bàn của các địa phương. Kiện toàn trên cơ sở tăng cường năng lực tổ chức thực hiện của các ban quản lý dự án trong bối cảnh phần lớn các ban quản lý dự án trên các địa phương đang trong quá trình tái cơ cấu, sáp nhập, chia tách. Đồng thời, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính với các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.

Về phía tỉnh BR-VT, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương rà soát các tồn tại, vướng mắc; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ  các khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công như: thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư; vướng ở khâu nào gặp trực tiếp lãnh đạo tỉnh để báo cáo và đề xuất UBND tỉnh giải quyết.

PHAN HÀ

 
;
.