Hiệp hội Đại lý và Môi giới Hàng hải Việt Nam (VISABA) đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT và các bộ, ngành liên quan về việc điều chỉnh giá phí xếp dỡ container tại cảng biển tối thiểu 10%, bắt đầu từ tháng 7/2021. Theo lập luận của VISABA, mức giá bốc dỡ của cảng Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực, việc điều chỉnh sẽ giúp cho DN tăng nguồn vốn tích lũy. Cụ thể, giá dịch vụ xếp dỡ container ở Việt Nam chỉ bằng 80% so với Campuchia, 70% so với Malaysia, 61% so với Indonesia và 46% so với Singapore.
Bộ GT-VT chưa đồng ý đề xuất tăng giá xếp dỡ container tại cảng biển từ 1/7/2021. |
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Bộ GT-VT cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc điều chỉnh giá dịch vụ tại cảng biển có thể gây bất lợi cho chủ hàng Việt Nam và đi ngược với chủ trương bình ổn giá dịch vụ, hỗ trợ DN của Chính phủ.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, khung giá hiện tại đang tạo ưu thế cạnh tranh cho hàng hóa và khẳng định vị thế của cảng biển Việt Nam. Minh chứng là khoảng 7 năm trở lại đây, với hệ thống cảng biển được đầu tư bài bản, giá bốc dỡ phù hợp cùng thị trường tiềm năng (90% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vận chuyển bằng đường biển), các hãng vận tải lớn trên thế giới đã liên tục đưa tàu mẹ đến cảng biển nước ta. Năm 2013, Việt Nam chỉ đón được 8 tuyến tàu mẹ/tuần tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải với sản lượng xấp xỉ 1 triệu TEUs. Đến năm 2021, số tuyến dịch vụ kết nối đến cụm cảng lớn nhất phía Nam tăng lên 32 tuyến quốc tế đi thẳng các cảng: châu Mỹ, châu Âu, châu Á, đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới 220 ngàn DWT vào cảng, sản lượng đạt gần 4,3 triệu TEUs (tăng hơn 4 lần so với năm 2013).
Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi không phải trung chuyển sang nước thứ 3 như gần 10 năm trước, chi phí vận tải được kéo giảm, thời gian giao hàng nhanh hơn. Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, nếu giá dịch vụ không cạnh tranh, cảng biển Việt Nam sẽ khó thu hút được hơn 40 hãng tàu nước ngoài đến mở tuyến khai thác. Hàng hóa xuất khẩu nước ta sẽ vẫn phải chịu cảnh chờ đợi tại các cảng trung chuyển ở Singapore, Hong Kong, Đài Loan… và chủ hàng Việt Nam vẫn nơm nớp nỗi lo chịu phạt do trễ lịch tàu. Việc thu hút tàu lớn ra vào cảng biển không chỉ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa mà Nhà nước sẽ thu được phí lệ phí hàng hải và tạo động lực cho cả hệ thống logistics phát triển.
THỤY NHIÊN