Phát triển và chuyển giao công nghệ từ cây ăn quả đầu dòng

Chủ Nhật, 13/06/2021, 17:38 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, nhiều loại cây được nhân giống từ cây ăn quả đầu dòng của tỉnh đã có mặt tại các thị trường cây giống trong nước. Cách làm này đã giúp tỉnh duy trì và phát triển các giống cây tốt, có giá trị kinh tế cao.

Cây sầu riêng đầu dòng đang được trồng tại hộ ông Nguyễn Văn Danh (xã Hoà Long, TP. Bà Rịa)  cho trái đều và nhiều hơn, chất lượng ngon hơn so với các cây khác.
Cây sầu riêng đầu dòng đang được trồng tại hộ ông Nguyễn Văn Danh (xã Hoà Long, TP. Bà Rịa) cho trái đều và nhiều hơn, chất lượng ngon hơn so với các cây khác.

NHIỀU ƯU ĐIỂM

Năm 2020, BR-VT có 8 cây thuộc 4 loại gồm chôm chôm, mít ta, bơ sáp và nhãn xuồng cơm vàng được công nhận là cây ăn quả đầu dòng thuộc dự án cấp nhà nước “Sản xuất giống một số cây ăn quả chủ lực các tỉnh phía Nam giai đoạn 2011-2020”. Trong đó, 6 cây thuộc 3 loại (nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm và mít ta) được trồng tại vườn thực nghiệm của Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ (khu phố 2, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ); 2 cây bơ được trồng tại xã Hòa Long (TP. Bà Rịa).

Ông Đỗ Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ dẫn chúng tôi tham quan những loại cây ăn trái đang được trồng lưu giữ trong khu vườn hơn 20ha của khu khảo nghiệm. Trong số hàng trăm cây mít được trồng trong vườn, cây mít ta MD06 - 01 vừa được công nhận là cây đầu dòng cho trái sai hơn hẳn, mỗi trái cân nặng từ 12-15kg. Theo ông Thịnh, các cây mít khác có tuổi đời 10 năm thường cho năng suất khoảng 3 tạ/cây/năm, còn cây mít đầu dòng này cho năng suất cao hơn, từ 3,3-3,5 tạ/cây/năm; trái cũng đều hơn; múi to, thịt dày, vị ngọt thơm. Trong quá trình trồng, cây mít đầu dòng này ít bị sâu bệnh hơn. Với những đặc tính vượt trội đó, cây mít ta MD06 - 01 đã được Sở NN-PTNT công nhận là cây đầu dòng và được Trung tâm nhân giống để phục vụ cho nhà vườn.

Theo ông Thịnh, cây đầu dòng là cây mang những đặc điểm hình thái đặc trưng của giống. Loài cây này không bị mất đi hoặc biến đổi khi nhân giống vô tính. Đặc biệt, loài cây này có sức sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, ít nhiễm sâu bệnh, chất lượng tốt, năng suất ổn định và cao hơn năng suất trung bình của các cây cùng giống, cùng tuổi trong quần thể ít nhất 10%.

Để có những cây ăn quả đầu dòng này, Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã tổ chức điều tra, thu thập những cá thể cây tốt ở các vườn cây của nhà vườn. Qua quá trình theo dõi, Trung tâm thực hiện việc bình tuyển để chọn những cá thể cây ưu tú từ những cá thể cây tốt đã thu thập rồi tiếp tục chăm sóc, theo dõi. Theo đó, cây được theo dõi và thu thập các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển như: đường kính thân, gốc cây, cành, tán cây, năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, độ đồng đều của sản phẩm trái cây... Sau khi được công nhận cây đầu dòng, Trung tâm tiến hành nhân giống vô tính từ những cây ăn quả đầu dòng để cung cấp cây giống tốt, chất lượng cao cho nhà vườn tại các đơn vị, địa phương trong khu vực và các vùng lân cận.

Cây mít ta này vừa được công nhận là cây ăn quả đầu dòng. Cây cho trái to, đều và chất lượng ngon vượt trội so với các cây khác.
Cây mít ta này vừa được công nhận là cây ăn quả đầu dòng. Cây cho trái to, đều và chất lượng ngon vượt trội so với các cây khác.

BẢO TỒN GIỐNG CÂY TỐT

Theo Sở KH-CN, BR-VT là địa phương có thế mạnh về cây ăn quả, trong đó có nhiều loại trái cây nổi tiếng. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn trái là cần thiết để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Do đó, những năm gần đây, Sở KH-CN đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ xây dựng nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả và đã cho những kết quả tích cực như: dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sông Xoài”; đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo tiêu chuẩn GAP”; dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và thâm canh vườn cây ăn quả xã Long Phước, TP. Bà Rịa”; đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây mãng cầu ta đặc hữu tỉnh BR-VT… Từ năm 2014 đến nay, BR-VT đã có 27 cây ăn quả đầu dòng được công nhận gồm 9 loại: sầu riêng, chôm chôm, điều, xoài, nhãn xuồng cơm vàng, mít ta, bưởi da xanh, mãng cầu ta, bơ sáp Hòa Long. Đây được xem là một hoạt động chuyển giao KH-CN thành công, góp phần phát triển các cây đầu dòng của tỉnh, chuyển giao cây giống tốt cho các địa phương có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Được biết, trong giai đoạn vừa qua Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đã cung cấp hơn 50 ngàn cây giống được nhân giống từ cây đầu dòng cho nhà vườn tại các tỉnh như: Đồng Nai, Tây Ninh, Khánh Hòa và nhiều địa phương thuộc tỉnh BR-VT. Giá bán các loại cây giống dao động từ 30-50 ngàn đồng/cây.

“Không chỉ chuyển giao cây giống cho nhà vườn, chúng tôi còn chuyển giao công nghệ, quy trình trồng và thâm canh cho từng loại cây ăn quả. Cây được nhân giống từ các cây đầu dòng đã được công nhận sẽ bảo đảm đúng giống, đúng nguồn gốc xuất xứ, giúp người trồng tránh được những rủi ro khi mua cây giống trôi nổi trên thị trường, đồng thời phục vụ cho mục đích xuất khẩu trái cây. Ngoài ra, việc nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển cây ăn quả đầu dòng sẽ giúp tỉnh BR-VT lưu giữ được các giống cây tốt, đặc sản của địa phương và không bị thoái hóa giống”, ông Đỗ Văn Thịnh chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: SONG THƯ

;
.