.

Những ngày làm việc đặc biệt của hoa tiêu hàng hải

Cập nhật: 19:26, 16/06/2021 (GMT+7)

Hoa tiêu hàng hải là một trong những nghề có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 cao khi phải thường xuyên tiếp xúc gần với thuyền viên nội địa và nước ngoài. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch nên đến nay, hoạt động của Công ty CP Dịch vụ và vận tải biển Vũng Tàu (Vungtau Ship) vẫn bảo đảm an toàn.

Thực hiện đứng giãn cách trên tàu.
Thực hiện đứng giãn cách trên tàu.

Vừa hoàn thành nhiệm vụ dẫn đường cho tàu hàng đi từ Singapore cập Cảng container Quốc tế SP-PSA (TX. Phú Mỹ), hoa tiêu Nguyễn Đức Thịnh cho biết: Mỗi lần nhận nhiệm vụ dẫn tàu, hoa tiêu phải có mặt thường xuyên trên tàu từ 3-4 tiếng, và 2 chuyến/ngày. Mùa này thời tiết nóng bức, lại phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch nên việc di chuyển rất khó khăn, nhất là khi leo thang để lên những con tàu lớn. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn nên chúng tôi luôn nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định "5K" của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch khác.  

Vungtau Ship có 60 hoa tiêu. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, nếu thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm. Do đó, đội ngũ hoa tiêu Vungtau Ship trước khi vào ca đều được trang bị đồ phòng hộ, không tiếp xúc hoặc chỉ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu trong trường hợp thật sự cần thiết, đồng thời phải giữ khoảng cách theo quy định, bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu ra vào cảng. Công tác phòng, chống dịch trong quá trình chuyên chở hoa tiêu trở về đất liền sau khi hoàn thành công việc trên tàu cũng được chú trọng thực hiện. Ô tô chở hoa tiêu được phun xịt khử trùng trước và sau khi vận chuyển. Tài xế phải mang khẩu trang, đeo găng tay.

Ông Nguyễn Khắc Du, Tổng Giám đốc Vungtau Ship cho biết, công ty có một trạm hoa tiêu tại TX. Phú Mỹ để hoa tiêu về nghỉ ngơi sau khi dẫn tàu. Đây cũng là nơi trung chuyển để xe đón hoa tiêu về nhà. Mỗi chuyến xe đưa đón khoảng 10 hoa tiêu. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để tránh các hoa tiêu tiếp xúc với nhau làm tăng nguy cơ lây bệnh, công ty đã dừng hoạt động của trạm hoa tiêu Phú Mỹ. Các hoa tiêu sau khi hoàn thành công việc sẽ được xe chở ngay về nhà và số người trên xe cũng giảm còn 1-2 người. “Tại vùng biển Vũng Tàu, bình quân có 60-70 lượt tàu ra vào cảng/ngày, chủ yếu là tàu nước ngoài. Do đó, công ty đã trang bị đồ bảo hộ sử dụng 1 lần cho tất cả các hoa tiêu. Với giá 100 ngàn đồng/bộ, mỗi ngày công ty phải bỏ thêm chi phí từ 6-7 triệu đồng, chưa kể chi phí đưa đón hoa tiêu cũng tăng lên, nhưng vì sự an toàn của hoa tiêu và cộng đồng, chúng tôi phải chấp nhận”, ông Nguyễn Khắc Du cho biết thêm.

5 tháng đầu năm 2021, Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu (trực thuộc Vungtau Ship) đã dẫn dắt 6.284 lượt tàu vào cảng an toàn. Trong đó, có 263 lượt tàu có trọng tải trên 100 ngàn DWT vào cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Những đóng góp của đội ngũ hoa tiêu góp phần đưa lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 46 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, hiệp hội, DN đề nghị tăng cường biện pháp phòng dịch COVID-19. Trong đó, Cục Hàng hải Việt Nam đặc biệt chú trọng đến việc phòng dịch trong công tác dẫn tàu của hoa tiêu - một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nhất trong lĩnh vực hàng hải khi phải thường xuyên tiếp cận gần với thuyền viên nội địa và nước ngoài. Cục Hàng Hải Việt Nam yêu cầu các tổ chức hoa tiêu hàng hải phải chủ động xây dựng và thực hiện các phương án bố trí hoa tiêu dẫn tàu phù hợp trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải có phương án trong trường hợp đơn vị có cán bộ, hoa tiêu bị nhiễm hoặc phải cách ly do dịch. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các hoa tiêu trong khu vực trong trường hợp khẩn cấp; chủ động làm việc với cơ quan chức năng để hoa tiêu được đi làm nhiệm vụ dẫn tàu khi tỉnh/thành phố thực hiện cách ly, phong tỏa.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.