.

Điểm sáng xuất khẩu trong đại dịch

Cập nhật: 17:12, 15/06/2021 (GMT+7)

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN đã nhận được đơn hàng dài hạn, vừa sản xuất, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.

Sản xuất xơ sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (cụm công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức).
Sản xuất xơ sợi xuất khẩu tại Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (cụm công nghiệp Ngãi Giao, huyện Châu Đức).

VỪA PHÒNG CHỐNG DỊCH, VỪA DUY TRÌ SẢN XUẤT

Đóng chân tại KCN Đất Đỏ 1, huyện Đất Đỏ, Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II là DN có 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, chuyên sản xuất và xuất khẩu giày sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Trong thời điểm Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với dịch COVID-19, công ty vẫn luôn thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa duy trì và đẩy mạnh sản xuất, tạo  việc làm và thu nhập ổn định cho gần 400 người lao động.

Ông Luo Zhexian, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất giày Vĩnh Uy II cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu 1,6 triệu sản phẩm, tăng 80% so với cùng kỳ, doanh thu 1,5 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đối mặt với những khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Chúng tôi luôn ý thức rằng chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, phân xưởng, thậm chí cả công ty phải ngừng sản xuất. Do vậy, công ty luôn duy trì nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến tháng 9/2021”, ông Luo Zhexian nói.

Tại Công ty CP May Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), song song với tăng cường phòng chống dịch, hoạt động sản xuất cũng được đẩy mạnh để kịp tiến độ đơn hàng đã ký kết. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, công ty đã đạt 50% kế hoạch năm, xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu, Anh, Australia, New Zealand… Công ty đã có đơn hàng đến tháng 9/2021. “Các đơn hàng cho đối tác nước ngoài đã có. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu doanh thu năm 2021 là 400-500 ngàn USD, chúng tôi luôn xác định việc phòng dịch đi liền với sản xuất, không để chuỗi sản xuất - cung ứng bị đứt gãy”, ông Quý nói.

Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Lộc An  (Công ty Baseafood).
Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Lộc An (Công ty Baseafood).

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Theo Sở Công thương, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu thì việc BR-VT duy trì đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các DN trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, từ nay đến cuối năm đại dịch vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, do đó cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương và của tỉnh. Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, Sở đã chủ động phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp DN nắm bắt kịp thời, cập nhật những quy định mới, tận dụng được hiệu quả từ các cơ hội do FTA thế hệ mới mang lại. Năm 2021, Sở Công thương - Thường trực Ban chỉ đạo hội nhập quốc tế tỉnh tổ chức nhiều lớp hội thảo, tập huấn về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giúp các DN nắm rõ các cam kết quan trọng của các hiệp định, nhận diện được những thách thức và cơ hội kinh doanh, các ưu đãi mà hiệp định mang lại.

Tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu thô đạt hơn 2,12 tỷ USD, đạt 37,4% kế hoạch năm, tăng 26,93% so với cùng kỳ. Dự kiến đến hết tháng 6/2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trừ dầu thô đạt hơn 2,62 tỷ USD. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô (80,14%), tương đương hơn 1,7 tỷ USD, tăng 37,52%. DN 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 19,86% (tương đương 422,75 triệu USD). Thị trường xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là châu Á vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng cao ở mức 24,77% so với cùng kỳ (tương đương hơn 2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 66,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh); châu Âu có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng trở lại với mức tăng 80,6%, Anh tăng 93,54%, Pháp tăng 80,7%...
(Nguồn: Sở Công thương)

Ngoài ra, để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ các ngành hàng như thép, hải sản, nông sản, cơ khí chế tạo, khuôn mẫu, điện tử, phụ tùng, linh kiện cho sửa chữa tàu biển, giàn khoan… vào thị trường xuất khẩu chủ lực là ASEAN, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, EU và khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ ở những thị trường có sức mua cao như Hoa kỳ và EU. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ phù hợp với định hướng và thế mạnh của tỉnh để sản xuất sản phẩm giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Lãnh đạo Sở Công thương nhận định, nếu tình hình dịch COVID-19 trên thế giới được kiểm soát, kinh tế sẽ phục hồi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.

Bà Vũ Bích Hảo cho biết thêm, những cam kết mở cửa thị trường hàng hóa từ các nước thành viên của các hiệp định này sẽ giúp DN có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do còn tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều sản phẩm nông sản, công nghiệp Việt Nam cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại đến từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil...

“Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực thi nhằm bảo đảm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do cho người dân và DN. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định CPTPP và các FTA khác, trọng tâm là các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng và ứng phó với những thuận lợi cũng như bất lợi mà các FTA thế hệ mới mang lại. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN xuất nhập khẩu, tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tập quán kinh doanh, yêu cầu sản phẩm khi xuất khẩu vào các thị trường…”, bà Vũ Bích Hảo nói thêm.

------

Tận dụng FTA để thúc đẩy tăng trưởng

Theo Bộ Công thương, để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng 6,5% như đã đặt ra, ngành công thương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu. Một trong những giải pháp ưu tiên được lựa chọn là sẽ tận dụng tốt hơn các FTA, đặc biệt là 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, tạo nền tảng vững chắc cho DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng cũng như tạo lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2021.

Là một trong những FTA đóng góp lớn trong kết quả năm 2020, EVFTA tiếp tục trở thành kỳ vọng cho xuất khẩu năm 2021 bởi dư địa để xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU là rất tốt và các DN Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá tốt và tận dụng được cơ hội từ hiệp định. Những ngành hàng được đánh giá sẽ có lợi thế rất lớn trong năm 2021 tại thị trường EU là nông thủy sản, giày dép, dệt may…

 Kết thúc đàm phán và ký kết chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2020, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ 1/1/2021 cũng được kỳ vọng sẽ cùng với EVFTA là “bệ phóng” cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu và tạo đà bứt phá xuất khẩu trong năm tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD của quốc gia này. Điều đó cho thấy dư địa xuất khẩu của hàng hóa nước ta sang thị trường Anh còn rất lớn, nhất là những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh như: Điện thoại, linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và các sản phẩm đồ gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu.... 

Sản xuất vali, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam.
Sản xuất vali, túi xách xuất khẩu tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 sẽ giúp cộng đồng DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Đây là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có của 15 nền kinh tế, với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 ngàn tỷ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, với những cam kết khác biệt và linh hoạt hơn so với các FTA đã ký kết, RCEP sẽ tạo ra khuôn khổ rõ nét về việc đơn giản thủ tục hải quan, thiết lập quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi tự do hóa thương mại.

Với Hiệp định CPTPP, năm 2021 cũng là năm để các DN Việt Nam đa dạng hóa hơn thị trường xuất khẩu trong khối và đạt mức tăng trưởng tốt ở các thị trường như Canada, Mexico, Chile, Peru...

Để hỗ trợ DN, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng trong quá trình thực thi FTA, nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA, đặc biệt là thông qua Cổng Thông tin điện tử về FTA vừa được khai trương vào cuối tháng 12/2020. Đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.