Nhiều loại nông sản ở BR-VT giá chạm đáy, không có thương lái thu mua

Thứ Năm, 03/06/2021, 21:03 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi dịch CVID-19 bùng phát trên diện rộng khiến giá nông sản lao dốc, các sản phẩm gặp khó khăn về đầu ra. Hiện đang là thời điểm một số loại trái cây hè bước vào vụ thu hoạch, tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi khiến năng suất giảm, ngoài ra một số loại trái cây như bơ, thanh long, bưởi xoài… tiêu thụ chậm, thậm chí không có thương lái tới thu mua. Riêng tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) vùng trồng xoài lớn nhất tỉnh, hiện giá xoài đang ở mức chạm đáy chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, đa số các chủ vườn đều để trái tự rụng vì giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái.

Hàu nuôi trên sông Chà Va xã Long Sơn không tiêu thụ được  do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hàu nuôi trên sông Chà Va xã Long Sơn không tiêu thụ được do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo khảo sát, thời gian qua giá các loại nông lâm thủy sản đều giảm mạnh. Cụ thể, sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn 27.000-29.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg; chôm chôm thái, chôm chôm nhãn còn từ 8.000-12.000 đồng/kg, chôm chôm thường dưới 5.000 đồng/kg; bơ 15.000 đồng/kg; mít thái từ 5.000-10.000 đồng/kg. Các loại thủy sản nuôi như tôm thẻ còn 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000-25.000 đồng so với cùng kỳ; giá các loại cá nước ngọt đồng loạt giảm với mức giảm từ 5.000-20.000 đồng/kg (tùy loại). Các loại gà ta cũng giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, việc tiêu thụ khó khăn đã khiến một số doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng công suất khoảng 20-40%, so với thời gian chưa có dịch bệnh xảy ra. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản, sản lượng nguyên liệu đầu vào bị giảm khoảng 40-50% do các tàu khai thác thủy sản nằm bờ, dẫn đến ảnh hưởng công suất giảm 50%, sản lượng bán trong nước giảm 60-70%, xuất khẩu giảm 50%. Đối với các loại sản phẩm nông lâm sản và thủy sản  tiêu thụ nội địa giảm khoảng 50% so với trước do các nhà hàng, khách sạn, quán ăn... giảm lượng tiêu thụ.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu… Từ đó thông báo cho các địa phương, DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh để người sản xuất nắm rõ. Sở cũng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh BR-VT “cơ cấu lại thời gian giãn nợ” cho cơ sở đang vay, đáo hạn, vay mới. Đề nghị giảm lãi suất cho vay đối với các DN, cơ sở (đặc biệt là các DNNVV) để các DN có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng tăng cường tổ chức các phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp. Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục thực hiện Quy hoạch ngành NN-PNTN đến năm 2030 theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế, đây là điều kiện để loại đặc sản của tỉnh có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Đặc biệt tiếp tục khuyến khích bà con nông dân áp dụng khoa học công nghệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn vào trong quá trình trồng để có nguồn nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường. Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các DN trong và ngoài nước đầu tư các nhà sơ chế, chế biến sâu sản phẩm nông sản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, giữ vững được thị trường tiêu thụ. 

K.H

;
.