Lợi kép với quản lý rủi ro hải quan

Thứ Năm, 17/06/2021, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Hoạt động quản lý rủi ro (QLRR) ngày càng cho thấy là phương pháp quản lý hữu hiệu của cơ quan hải quan trong thực hiện mục tiêu “kép”. Đó là vừa tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), vừa đảm bảo kiểm soát, phát hiện các trường hợp gian lận thương mại; đảm bảo nguồn thu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

DN làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép.
DN làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Cái Mép.

GIẢM THỜI GIAN, CHI PHÍ

Việc phân luồng hàng hóa (hàng xuất, hàng nhập) trong hải quan là một công cụ, thủ tục và hình thức hữu hiệu giúp cơ quan hải quan giám sát, kiểm tra và quản lý hàng hóa XNK. Hiện nay, ngành hải quan đang phân loại hàng hóa dưới hình thức 3 luồng: xanh, vàng và đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình QLRR. Bằng việc áp dụng QLRR, ngành hải quan đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý từ thủ công sang tự động hóa; qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, thông qua việc phân luồng thông quan hàng hóa.

Theo Cục Hải quan tỉnh, hiện nay, đơn vị đã cập nhật, xây dựng được 43 tiêu chí lựa chọn kiểm tra, góp phần kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các hành vi gian lận thuế cũng như các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm thủ tục hải quan. Nhờ đó, trong số hơn 18 ngàn tờ khai hải quan/tháng, số lượng hàng hóa phân vào luồng đỏ ngày càng giảm, còn luồng xanh và luồng vàng ngày càng tăng. Cụ thể, luồng xanh chiếm 61,7%, luồng vàng chiếm 32,4% và luồng đỏ chiếm 5,9%, giảm 5% so với 3 năm trước.

Tỷ lệ luồng xanh chiếm 61,7% đã giúp thời gian thông quan hàng hóa của DN giảm đáng kể. Bà Ngụy Như Linh, Giám đốc Công ty TNHH HWAN TAI Việt Nam (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) cho biết, áp dụng QLRR trong ngành hải quan là một trong những bước đột phá về cải cách hành chính. Khi DN làm thủ tục thông quan hàng hóa, thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký hải quan đối với tờ khai luồng xanh không có thuế, thời gian thông quan hàng hóa chỉ còn từ 1-3 giây. Một số trường hợp do tờ khai nhiều mặt hàng, hệ thống phải kiểm tra một số tiêu chí riêng thì thời gian tối đa là 3 phút; đối với hồ sơ hệ thống phân luồng vàng hoặc đỏ, việc kiểm tra hồ sơ giấy khi đầy đủ từ khoảng 10 phút đến 2 giờ, giảm 70% so với trước đây.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Siam City Cement, việc áp dụng QLRR hải quan đã giúp DN giảm thời gian và cả chi phí. Vì khi tham gia hoạt động XNK, DN chịu nhiều tác động từ các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành. Nếu các cơ quan quản lý chuyên ngành không áp dụng QLRR thì tất cả các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành sẽ được phân vào luồng vàng, luồng đỏ. Nếu lô hàng được phân luồng đỏ thì DN sẽ phát sinh nhiều chi phí vì trong khi chờ cơ quan hải quan kiểm tra, DN phải thuê kho, bãi để lưu trữ hàng hóa…

PHÒNG CHỐNG GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, khi chuyển đổi từ khai báo hải quan giấy sang hải quan điện tử dựa trên áp dụng QLRR hiệu quả, phân luồng chính xác (xanh-vàng-đỏ) còn giúp ngành hành quan giảm được nhân lực. Chẳng hạn, tại BR-VT mỗi tháng ngành hải quan tiếp nhận hơn 18 ngàn tờ khai XNK, nếu không áp dụng QLRR để phân luồng thì cần thêm khoảng 20 người để phụ trách thủ tục hải quan. Mặt khác, dù số lượng tờ khai tăng nhiều, nhưng nhờ có sự đổi mới trong công tác quản lý nên hoạt động XNK của DN được thông suốt.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động QLRR, ngành hải quan đã chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan bằng việc thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ DN trọng điểm. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2020, số vụ vi phạm phát hiện tăng từ 12.337 vụ lên 16.725 vụ. Qua đó khẳng định, công tác QLRR hiệu quả đã góp phần nhất định trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vi phạm pháp luật về hải quan.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và cơ quan hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã đề ra chương trình quản lý tuân thủ, DN tuân thủ tự nguyện, giúp DN thuận lợi hơn trong hoạt động XNK. Theo đó, kết quả đánh giá DN tuân thủ có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ quan hải quan tập trung áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN. Cơ quan hải quan sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa với DN tự nguyện tuân thủ… cùng nhiều ưu tiên, ưu đãi khác. DN không tuân thủ sẽ bị cơ quan hải quan tăng cường kiểm tra trực tiếp theo quy định pháp luật.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.