Hành trình 40 năm "tìm lửa" của Vietsovpetro
241 triệu tấn dầu thô là con số mà những người lao động Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) đã khai thác được trong 40 năm qua. Nhìn lại thành quả đạt được này, người lao động Vietsovpetro không khỏi tự hào. Đây là sự kết tinh của ý chí và lòng dũng cảm vượt khó, đưa Vietsovpetro khắc ghi trên bản đồ dầu khí Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Người lao động Vietsovpetro làm việc trên Giàn nén khí trung tâm. |
Ngày 19/6/1981, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (Vietsovpetro) thành lập. Ra đời trong hoàn cảnh khi đất nước còn nhiều khó khăn, thế nhưng, với sự quyết tâm phấn đấu của thể người lao động, chỉ 3 năm sau ngày thành lập, Vietsovpetro đã phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ (tháng 5/1984) và 2 năm sau đó, đã đưa mỏ này vào khai thác.
Năm 1987, Vietsovpetro đã phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ tại giếng khoan BH-6. Việc phát hiện dầu trong móng granit với sản lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ đã tạo bước ngoặt lịch sử cho Ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng mới vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Liên doanh Việt Nga-Vietsovpetro cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, Vietsovpetro đã khai thác được 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu khí đạt gần 84 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 53 tỷ USD, lợi nhuận 2 phía là 23 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỷ m3 khí đồng hành, thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm cũng như tác động tích cực và trực tiếp làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Thông qua hoạt động thực tiễn, Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí biển.
Giàn khai thác CTC1-WHP mỏ Cá Tầm. |
Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Vietsovpetro là đơn vị có hoạt động sáng kiến - sáng chế mạnh nhất Tập đoàn. Trong 40 năm hoạt động Vietsovpetro có 2.115 sáng kiến được công nhận, việc áp dụng các sáng kiến sáng chế này mang lại hiệu quả kinh tế gần 103 triệu USD. Kết quả được chứng minh khi mà hàng năm, trong những buổi lễ vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, rất nhiều gương mặt trẻ của Vietsovpetro được xướng tên.
Cách đây vừa tròn 40 năm, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô (gọi tắt là Vietsovpetro) tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được long trọng ký kết tại Matxcơva. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt – Xô trong lĩnh vực hợp tác thăm dò khai thác dầu khí, là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển Ngành Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động, Vietsovpetro đã không ngừng nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người lao động, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội; đóng góp cho các địa phương trong cả nước xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện công tác xã hội từ thiện với tổng kinh phí gần 70 triệu USD.
|
Kỹ sư trẻ Đỗ Phi Long (SN 1990) làm việc tại Xí nghiệp địa Vật lý Giếng khoan (Vietsovpetro), người được vinh danh “ Người thợ trẻ giỏi” năm 2020 chia sẻ: Trong quá trình làm việc Long và cộng sự luôn trăn trở, nghiên cứu các sáng kiến áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; góp phần mang lại hiệu quả cao cho đơn vị trong việc tiết giảm chi phí, thời gian và sức lao động. Chẳng hạn như sáng kiến “Thiết kế và chế tạo hệ thống máy đo khuyết tật ống chống giếng khoan bằng hệ đa cảm biến LVDT đo bán kính từ phía trong theo 40 và 60 sector”. Long cho biết: Với các giếng khoan dầu khí, việc chống ống và bơm trám xi măng vào khoảng trống giữa ống chống và thành hệ rất quan trọng. Điều này giữ cho thành giếng khoan ổn định, không bị sập lở, bóp méo trong khi khoan và khai thác... Trong quá trình sử dụng, tại mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng, nhiều giếng khoan có các lớp ống chống đã sử dụng hơn 30 năm, dẫn đến tình trạng các ống chống bị rỉ sét, mòn, thậm chí bị khuyết tật nghiêm trọng. Thực trạng này đã hình thành nên nhu cầu lớn về dịch vụ đo khảo sát khuyết tật các ống chống, hay còn gọi là đo kiểm tra trạng thái kỹ thuật ống chống nhằm phục vụ cho quá trình bảo dưỡng giếng khoan và cách ly các vỉa trong giai đoạn khai thác tận thu các vỉa sản phẩm ở các tầng trên như hiện nay. Trong khi đó, giá thành của các máy giếng và máy trạm trong ngành đặc thù này rất đắt. Trước khó khăn này, Long và cộng sự đã trăn trở, nghiên cứu tìm cách khắc phục. Long đã tận dụng các phần cơ khí còn lại của các máy đo độ dày ống chống bằng cách đo đường kính trong của ống chống để xây dựng một hệ thống gồm 3 máy giếng và 2 trạm bề mặt nâng cấp thêm chức năng mới. Sáng kiến này lập tức đã khắc phục được những hạn chế trước đó, đồng thời làm lợi cho xí nghiệp hơn 600.000 USD.
Bên cạnh đó còn có nhiều sáng kiến tuy không lượng hóa được giá trị song đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động, cải thiện điều kiện sản xuất, đảm bảo an toàn cho người lao động và các công trình cả ở biển và trên bờ. Một số công trình tiêu biểu đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải cao tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - công nghệ toàn quốc và của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới...
Bài, ảnh: PHAN HÀ