Đưa kinh tế tri thức vào từng cánh đồng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định như vậy tại hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với 63 tỉnh, thành phố. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đồng chủ trì.
Mô hình trồng rau công nghệ cao của hộ ông Trần Viết Quang, thôn Hữu Phước, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức. |
KẾT NỐI THÔNG TIN KHÓ KHĂN
Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, từ trước đến nay chúng ta đã nói nhiều đến kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thiếu những chuyển biến trong thực tế. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, phải đã đến lúc phải thấy được kinh tế tri thức vào tận những cánh đồng, nhà máy. Bộ NN-PTNT cho rằng: nền nông nghiệp phải được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, để vươn xa hơn và Bộ NN-PTNT sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn tàu. “Lâu nay, còn tồn tại sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất mù mờ về thị trường, thị trường mù mờ về sản xuất. Việc kết nối quá khó khăn dẫn đến câu chuyện giải cứu mang tính chu kỳ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số không phải là cái gì quá đao to búa lớn mà thực chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số. “Chúng ta hay nói về những cái mới, cách mạng 4.0, chuyển đổi số… rất hào hứng nhưng sau đó cứ nhạt dần. Việc bỏ thói quen rất khó nếu không biến việc mới, việc khó thành dễ. Chúng tôi sẽ nỗ lực biến việc khó thành việc dễ, để sự thay đổi đó dễ dàng với tất cả mọi người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ, áp dụng chuyển đổi số, nông dân sẽ không phải “trông trời, trông đất, trông mây” để sản xuất như truyền thống mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Cũng theo ông Dũng, áp dụng chuyển đổi số, có thể cho phép nông dân bán nhiều thứ (bán cả kinh nghiệm, quy trình chăm sóc, quy trình giám sát…) chứ không chỉ bán sản phẩm nông sản đơn thuần. “Chuyển đổi số còn cho phép so sánh giá ở nhiều nơi, làm được việc này sẽ không còn ép giá. Chuyển đổi số sẽ tạo ra nền tảng cho phép nông dân và các ngành hàng kết nối với nhau mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Chúng ta có thể kết nối 9 triệu hộ nông dân với các DN chế biến, gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả 6 tỷ người tiêu dùng trên thế giới”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Chia sẻ thêm về chuyển đổi số trong thương mại nông sản, ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (VnPost) cho thấy, người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến. Từ chỉ một vài ngàn người mua bán mỗi ngày trước đây thì nay đã tăng lên hàng trăm ngàn. Tính riêng từ 1/6 đến nay, các sàn đã có trên 4,5 triệu lượt người mua vải thiều. “Các sàn thương mại điện tử đưa vào vận hành từ 6 – 7 năm nhưng vận hành chưa đột phá. Từ khi đưa quả vải lên sàn đã có sự thay đổi rõ rệt. Người dân có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn. Điều này cũng buộc công ty phải đẩy mạnh nâng cấp, đưa nền tảng công nghệ thông tin lên một tầng cao hơn để đáp ứng yêu cầu”, ông Chu Quang Hòa thông tin.
Cơ sở sản xuất nông nghiệp dược liệu Phong Thảo chế biến nhàu để xuất khẩu với các ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc. |
NÔNG NGHIỆP BR-VT CÓ THỂ TIẾN VÀO KINH TẾ SỐ SỚM HƠN
Tại BR-VT, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) được xác định là 1 trong 4 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh trên nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực NN-PTNT. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 290 cơ sở sản xuất ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt có 146 cơ sở; chăn nuôi có 127 trang trại và 15 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Các cơ sở sản xuất tiêu biểu như Công ty TNHH 4K farm đã đầu tư hơn 200 nhà màng với diện tích hơn 20ha để sản xuất rau ăn lá, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, phân bón, ứng dụng trên điện thoại thông minh để theo dõi quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm... Công ty TNHH XNK nông nghiệp dược liệu Phong Thảo (huyện Xuyên Mộc) trồng và sản xuất, xuất khẩu cao nhàu, nước cốt nhàu, nhàu sấy khô…
Ngoài ra, nhiều DN tại BR-VT cũng chủ động thực hiện CÐS, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các nông sản chất lượng cao. Chẳng hạn như sử dụng Internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng đã có những bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số vừa giúp các đơn vị, DN nâng cao năng suất, chất lượng vừa giúp cơ quan chức năng quản lý dễ dàng hơn.
Ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm, hiện ngành NN-PTNT đang xây dựng hệ thống thông tin cho ngành dựa trên nền tảng WebGIS mã nguồn mở, nhằm số hóa tất cả các hoạt động của ngành NN-PTNT từ sản xuất, tiêu thụ, dự báo thị trường, cảnh báo thiên tai, thời tiết… đến truy xuất nguồn gốc, tra cứu dịch bệnh và cả công tác chỉ đạo điều hành. Hệ thống này có khả năng quản lý dữ liệu ngành một cách khoa học, khai thác dữ liệu nông nghiệp linh hoạt theo không gian và thời gian. Từ đó giúp cung cấp thông tin chính xác phục vụ phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biển đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững. Dự kiến trong năm 2021 hệ thống thông tin này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Công ty TNHH 4K farm đang sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để kiểm tra quá trình chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: QUANG VŨ |
Bên cạnh những kết quả đạt được, thì quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đó là số liệu của ngành NN-PTNT nằm rải rác và chưa thống nhất, nên việc chuyển đổi số phải có thời gian và đơn vị tư vấn để cập nhật. Ngoài ra còn có những khó khăn khác như: Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng.
Sẵn sàng cho chuyển đổi số
Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn về tiêu thụ cho nông dân nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh. Các DN công nghệ đã sẵn sàng hoàn thiện các sàn thương mại điện tử cho nông dân. Cùng đó, các DN trong nước cũng đã có đủ hạ tầng, khả năng để đưa nông sản đến từng hộ gia đình trong cả nước.
|
Sẽ khắc phục những bất cập này, bên cạnh việc hoàn thành hệ thống thông tin, ngành NN-PTNT tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng CNTT trong quá trình chuyển đổi số cho người dân và DN. Cùng với đó là vai trò trọng yếu của Nhà nước trong việc định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ phù hợp thực tiễn sản xuất, huy động được các nguồn lực trong xã hội phát triển đồng bộ, toàn diện nền nông nghiệp. Ðồng thời đồng hành cùng các thành phần kinh tế khác thực hiện quá trình chuyển đổi số hiệu quả bằng cách nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược cho DN về chuyển đổi số.
80% Cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn
Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy các DN, người dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và DN tham gia vào chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số. 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.
|
Bài, ảnh: QUANG VŨ