Doanh nghiệp kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch

Thứ Tư, 02/06/2021, 21:38 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị kịch bản làm việc, tái kích hoạt chế độ làm việc trực tuyến, phân chia ca để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đo kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước giờ làm tại Công ty Dongjin Golbal (KCN Đất Đỏ 1). Ảnh: THUY NHIÊN
Đo kiểm tra thân nhiệt cho công nhân trước giờ làm tại Công ty Dongjin Golbal (KCN Đất Đỏ 1). Ảnh: THUY NHIÊN

CHIA CA LÀM VIỆC

Một tuần nay, Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) bố trí cho 80 nhân viên văn phòng làm việc theo phương thức “ngày làm ngày nghỉ”. 10 nhân viên cư trú tại TP. Hồ Chí Minh được sắp xếp cho làm việc tại nhà đến khi dịch tạm lắng.

Ông Hồ Minh Quân, nhân viên phụ trách truyền thông Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, ngoài việc giảm giảm 50% nhân viên làm việc, các cuộc họp cũng được tổ chức trực tuyến (online). “Trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, làm việc từ xa là giải pháp hợp lý, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho cán bộ, nhân viên. Với các công nhân làm việc tại xưởng, công ty yêu cầu thực hiện nghiêm biện pháp 5K tại chỗ. Công ty cũng không giải quyết cho người lao động nghỉ phép về thăm gia đình hay di chuyển ra ngoại tỉnh đến khi hết dịch”, ông Quân cho biết thêm.

Từ đầu tháng 5 đến nay, khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, hầu hết các DN đã lên phương án giãn cách bằng cách làm việc online hoặc chia ca, nghỉ luân phiên để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì hoạt động sản xất kinh doanh. Đại diện Công ty Vina Logistics (ấp Tân Lộc, phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết, công ty đã chia nhân sự thành 2 đội, nửa làm việc online, nửa tại văn phòng, phòng khi có người lao động bị nhiễm dịch vẫn còn người làm việc, không để công việc bị gián đoạn. Riêng với những cán bộ, nhân viên tại văn phòng TP. Hồ Chí Minh, công ty yêu cầu làm việc tại nhà.

Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) người lao động tuân thủ nghiêm túc biện pháp 5K.
Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (KCN Phú Mỹ 1, TX. Phú Mỹ) người lao động tuân thủ nghiêm túc biện pháp 5K.

DUY TRÌ SẢN XUẤT KINH DOANH

Những ngày này, tại Salon ô tô Kim Tâm (thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc), hoạt động mua, bán xe vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được DN nâng lên mức cao nhất. Ông Nguyễn Kim Tâm, Giám đốc Salo ô tô Kim Tâm cho biết, DN chia ca làm việc vào các ngày chẵn, lẻ để bảo đảm giãn cách và giúp người lao động có thu nhập. Đối với khách hàng, salon đã vẽ vòng tròn đánh dấu vị trí cách nhau 2m và bố trí 14 ghế ngay trước sảnh để khách hàng đến giao dịch không vào phòng chờ như trước đây. Khách hàng nào không thực hiện các biện pháp phòng dịch, salon sẽ từ chối phục vụ. “Việc trao đổi thông tin nội bộ, giao dịch với khách hàng cũng được thực hiện theo hình thức online. Chẳng hạn, khách hàng cần sửa chữa, bảo dưỡng xe, salon cử nhân viên đến tận nơi nhận xe về sửa chữa. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường đào tạo online cho nhân viên kỹ năng mềm để khi dịch qua đi có thể bắt tay ngay vào hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường”, ông Nguyễn Kim Tâm nói.

Tại Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), công nhân vẫn làm việc bình thường để kịp tiến độ giao hàng cho các đối tác. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc Công ty cho biết, công ty đã kiểm soát chặt chẽ lịch trình đi về của nhân viên. Cụ thể, mọi cán bộ, nhân viên khi đến công ty đều phải thực hiện “5K”. Nhân viên nào đi về từ vùng dịch, đi qua vùng dịch phải khai báo y tế; yêu cầu tự cách ly và làm việc tại nhà 21 ngày. Những trường hợp cách ly này vẫn được hưởng chế độ phép và hưởng 2/3 tiền lương/ngày. Với nhân viên văn phòng, công ty không tổ chức họp mà thực hiện chế độ báo cáo công việc bằng văn bản. Đối với tài xế đến giao nhận hàng, sau khi cho xe vào khu vực giao nhận, tài xế không được ở lại khu vực này và không được tiếp xúc với người trong công ty. Sau khi hàng hóa sắp xếp xong, tài xế mới được vào lái xe đi.

Bên cạnh đó, các CLB hội ngành nghề cũng chủ động thay đổi cách thức sinh hoạt để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Chẳng hạn, CLB Giao thương G9, các nhóm BNI trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện việc đào tạo, kết nối giao thương qua hình thức online. Qua những buổi họp online này, các DN trao đổi công việc, nắm bắt tình hình khó khăn của từng DN, nhất là những DN buộc phải đóng cửa do dịch như du lịch, giáo dục, dịch vụ… Từ đó, có giải pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các thành viên trong CLB. Bởi có bảo đảm an toàn phòng chống dịch mới bảo đảm sức khỏe cho người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - TRÀ NGÂN

;
.