Ưu tiên phát triển cảng biển

Thứ Sáu, 21/05/2021, 21:40 [GMT+7]
In bài này
.

Trong giai đoạn 2015-2020, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với lượng hàng qua cảng tăng gần 9%/năm. Số chuyến tàu container đến cụm cảng này tăng từ 9 chuyến/tuần (năm 2015) lên 24 chuyến/tuần vào năm 2020.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái (Công ty CP Hưng Thái Holdings) vào tháng 2/2020.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái (Công ty CP Hưng Thái Holdings) vào tháng 2/2020.

LẬP NHIỀU KỶ LỤC

Tháng 10/2020, cụm cảng CM-TV đã ghi thêm mốc son lên bản đồ hàng hải thế giới khi Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đón thành công tàu container Margrethe Maersk cập cảng. Đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, sức chở 20 ngàn TEUs, dài gần 400m, rộng 59m. Tàu Margrethe Maersk đang được liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới 2M khai thác trên tuyến dịch vụ đi bờ Tây nước Mỹ hàng tuần. Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong 21 cảng trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu lớn hơn 214 ngàn tấn. Trước đó, vào tháng 2/2017, cảng CMIT đã đón thành công tàu Margretthe Maersk trọng tải 194 ngàn tấn, sức chở 18.300 TEUs, là tàu container lớn nhất thế giới thời điểm đó (hiện đang khai thác hàng tuần tại CMIT).

Việc CMIT đủ năng lực và được cấp phép tiếp nhận tàu trọng tải đến hơn 214 ngàn tấn cập cảng cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết như EVFTA, CPTPP... có hiệu lực. Theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được xếp lên các tàu mẹ cỡ lớn đi thẳng đến các thị trường như châu Âu, Mỹ mà không cần trung chuyển qua Singapore, Malaysia...

Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, dù hoạt động hàng hải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cụm cảng CM-TV vẫn liên tục đón nhận nhiều tin vui, nhiều kỷ lục mới được xác lập như: xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

Trong đó, Cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCCT) đã tiếp nhận và xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng được vận chuyển bởi tàu RAM COMMANDER có trọng tải 12.631 tấn. Tàu RAM COMMANDER đã chở 3 thiết bị siêu trường, siêu trọng có tổng trọng lượng 2.970 tấn, là thiết bị để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy sản xuất polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina. RAM COMMANDER tuy chưa phải là con tàu có trọng tải lớn nhất từng cập cảng TCCT, nhưng điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên tàu container chuyên dụng chở thiết bị siêu trường siêu trọng cập cảng TCCT nói riêng và cụm cảng CM-TV nói chung. 

Trong khi đó, CMIT tiếp tục phá kỷ lục khai thác của cảng khi xếp dỡ an toàn 22 kiện hàng quá khổ, quá tải và siêu trường siêu trọng lên tàu mẹ Arnold Maersk trên tuyến dịch vụ America đi bờ Đông nước Mỹ, do liên minh hãng tàu 2M (gồm 2 hãng tàu MSC và Maersk Line) khai thác, trong thời gian kỷ lục, chỉ hơn 4 tiếng. Ông Tobias Gruemmer, Giám đốc khai thác vùng, hãng tàu Maersk Line cho biết: “Năng suất giải phóng hàng cao đã giảm thời gian tàu nằm cầu và giảm chi phí cho các hãng tàu nên chúng tôi rất hài lòng. Hơn nữa, điều này còn bảo đảm thời gian khởi hành của tàu mẹ đến các cảng kế tiếp”.  

Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 8 tuyến tàu mẹ mới kết nối với CM-TV. Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 11 năm khai thác của CM-TV.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại Cảng Dịch vụ tổng hợp Hưng Thái (Công ty CP Hưng Thái Holdings) vào tháng 2/2020.
Tàu MSC AURIGA hơn 1.500 TEUs cập Cảng SSIT ngày 22-3-2021. 

PHÁT TRIỂN ĐÚNG ĐỊNH HƯỚNG

BR-VT là địa phương có đặc trưng đầy đủ của kinh tế biển Việt Nam và với ưu thế cảng container nước sâu, tỉnh xác định cảng biển là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế. Nhiều vấn đề về quy hoạch, điều hành - quản trị cảng, đặc biệt là kết nối với giao thông nội địa - thông qua đầu tư và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa cơ sở hạ tầng được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng được xây dựng và ban hành nhằm thúc đẩy các giải pháp phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dịch vụ cảng biển và logistics được xác định là lĩnh vực kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã phối hợp các bộ, ngành liên quan trao đổi, thực hiện nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả đầu tư và đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường tàu biển trên địa bàn tỉnh tăng 10%.

Sau hơn 10 năm, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã có 23/35 dự án cảng biển lần lượt được đưa vào khai thác, với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, công suất 142 triệu tấn/năm. Đây là cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có thể đón được tàu hàng trên 100 ngàn tấn và trở thành một trong 21 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu siêu trọng.

Cùng với sự lớn mạnh của cảng biển, BR-VT đang xúc tiến xây dựng Trung tâm dịch vụ logistics của cả nước và khu vực, đạt tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm logistics trong khu vực Đông Nam Á. Để đạt mục tiêu này, thời gian qua BR-VT đã ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực. Các tuyến đường như QL51, đường 965, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An… nối cụm cảng CM-TV với các trung tâm của vùng TP. Hồ Chí Minh đã, đang hoặc chuẩn bị đầu tư và mở rộng. Tỉnh cũng ưu tiên phát triển Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ có diện tích 1.000ha nhằm mục tiêu phát triển khu vực này trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của quốc gia và quốc tế.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.