ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Thứ Sáu, 28/05/2021, 21:55 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua, để bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm và phát triển bền vững, mô hình chăn nuôi công nghệ cao đang được nhiều gia đình, trang trại trên địa bàn tỉnh áp dụng.

Mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh của ông Trần Hồng Phong, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.
Mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh của ông Trần Hồng Phong, xã Bình Ba, huyện Châu Đức.

NUÔI GÀ TRONG PHÒNG LẠNH

4 trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín công nghệ cao với quy mô 80 ngàn con, được Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đưa vào hoạt động từ cuối  năm 2020. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty cho biết, vốn đầu tư cho mô hình khá lớn, khoảng 2,2 tỷ đồng/trại. Các trại nuôi gà được nuôi đúng tiêu chuẩn với diện tích 1.600m2/20 ngàn con/trại. Trại được xây dựng kiên cố bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, cùng máng nước tự động, khay để thức ăn. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống tự động.

Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân được kích hoạt để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn mùi hôi phát sinh. Gà giống, thức ăn được nhập từ Công ty CP Việt Nam. Sau 6 tháng hoạt động, Công ty của ông Thanh đã xuất bán lứa thứ 2, toàn bộ đầu ra được Công ty CP Việt Nam bao tiêu. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/lứa.

Theo ông Thanh, nuôi gà theo mô hình truyền thống là trại hở không điều chỉnh được nhiệt độ nên trại lúc nóng, lúc ẩm ướt, lạnh... khiến đàn gà dễ sinh bệnh, nguy cơ thất thu cao, chưa kể đầu ra bấp bênh. Đến kỳ xuất chuồng, nếu không tiêu thụ được, người nuôi phải tốn chi phí duy trì, gà ít tăng cân trong khi lượng thức ăn cho gà hàng ngày vẫn phải bảo đảm nên hiệu quả thấp. “Nuôi gà theo hướng công nghệ cao tuy mức đầu tư ban đầu khá lớn, song quá trình nuôi lại hạn chế tối đa được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2%. Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp khác cũng tạo đầu ra ổn định, bền vững hơn so với nuôi gà theo kiểu truyền thống”, ông Thanh cho hay.

Ông Trần Văn Nam (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) là một trong những người tiên phong áp dụng mô hình nuôi gà chuồng lạnh công nghệ cao tại BR-VT. Ông Nam cho biết, cuối năm 2009, sau khi tham quan mô hình nuôi gà bằng chuồng lạnh tại một số địa phương và được Công ty CP Việt Nam giới thiệu về công nghệ nuôi, ông quyết định đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà chuồng lạnh. Với tổng vốn 7 tỷ đồng, ông xây dựng 8 dãy chuồng, mỗi dãy 400m2 để nuôi 40 ngàn con gà đẻ trứng. Chi phí đầu tư cao, đi kèm là lợi nhuận tăng 4-5%, chi phí giảm 2-3% so với nuôi thông thường. Hiện quy mô trang trại của ông Nam đã lên đến 90 ngàn con gà đẻ trứng, bình quân mỗi ngày thu 5.000-6.000 trứng.

Ông Nam cho biết, mô hình mang lại lợi nhuận cao hơn cách nuôi truyền thống, không gây ô nhiễm môi trường, gà tăng trưởng nhanh hơn. Ngoài ra, ưu điểm của mô hình là ít nhân công, quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm. “Với quy trình nuôi chuồng lạnh khép kín, nguồn thức ăn phải bảo đảm không kháng sinh, không chất tăng trọng. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong phòng nuôi luôn phải duy trì ở mức 25-28 độ C để bảo đảm sức khỏe cho gà, cũng như chuồng trại được sạch sẽ, hạn chế mùi hôi”, ông Nam chia sẻ.

 HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG

Theo chủ các trang trại, chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng lạnh theo tiêu chuẩn an toàn sinh học rất cao, thường gấp 3 lần chuồng hở. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách đầy đủ và dài hạn, chi phí nuôi gà chuồng lạnh lại thấp hơn chuồng hở và hiệu quả chăn nuôi cũng cao hơn.

Thông tin từ Sở NN-PTNT cho biết, đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 70 trang trại chăn nuôi kết hợp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 226ha. Quy mô đàn vật nuôi được ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh (35% đàn heo thịt, 73% đàn heo nái, 46% đàn gà thịt, 42% đàn gà giống, 5% đàn vịt đẻ). Với quy mô đàn vật nuôi ứng dụng công nghệ cao như trên, tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đạt 44-45%.

Công nghệ cao được ứng dụng trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay bao gồm ứng dụng công nghệ chăn nuôi chuồng kín (chuồng lạnh); chăn nuôi heo hạn chế sử dụng nước; chăn nuôi gà nhiều tầng; chăn nuôi tự động hóa, bán tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kiểm soát; sử dụng biogas, đệm lót sinh học, chiết tách phân, sản xuất phân vi sinh và ứng dụng vi sinh trong xử lý chất và nước thải.

Giảm chi phí, nhân công
Chăn nuôi công nghệ cao là mô hình chăn nuôi ứng dụng kết hợp được những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất và tạo những bước đột phát trong nghề chăn nuôi.
Việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực cho người lao động, thậm chí trước kia mỗi người chỉ chăm sóc được 1 chuồng nuôi thì nay một người có thể điều khiển hệ thống chăm sóc cả một trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, những mô hình này đang ngày càng được cải tiến, nâng cấp độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí nên được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi. Việc đưa chăn nuôi công nghệ cao làm mục tiêu phát triển chủ lực của ngành chăn nuôi đã góp phần giảm công lao động, tối ưu hóa chi phí thức ăn, chi phí chăm sóc đồng thời giảm được giá thành tăng sức cạnh tranh trên thị trường so với những phương thức chăn nuôi truyền thống trước kia. Một vai trò nữa của công nghệ cao ứng dụng trong chăn nuôi đó là giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 121 trại (gồm 67 trại heo thịt, 28 trại heo nái, 22 trại gà thịt, 2 trại gà giống, 2 trại vịt đẻ) với quy mô đàn vật nuôi được ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ khá cao so với tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh. Trong lĩnh vực thủy sản, có 18 tổ chức, cá nhân nuôi tôm với diện tích khoảng 352ha, hơn 500 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè, hơn 10 cơ sở sản xuất tôm giống sạch bệnh ứng dụng công nghệ cao (công nghệ: nuôi theo quy trình 3 sạch gồm giống, nước và đáy ao sạch, sản xuất giống thủy sản áp dung hệ thống máy HOD, máy RO, máy lọc UF...). Bên cạnh đó, các DN và nông dân đã và đang thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Cụ thể, có 40 cơ sở nuôi heo với tổng đàn khoảng 24.000 con nái và 69.000 con heo thịt, 50 cơ sở chăn nuôi gà với tổng đàn 1,84 triệu con gà thịt và 120 ngàn con gà trứng. Trong thủy sản có khoảng 7ha tại Xuyên Mộc.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, Đề án số 04-ĐA/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được các DN, tổ chức kinh tế, các nhà khoa học và người dân tích cực hưởng ứng. Việc thực hiện Đề án này đã tạo được sự lan tỏa, tạo cú hích cho phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên quy mô toàn tỉnh. Để đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, ngành đang xây dựng Đề án chuỗi liên kết giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là hướng đi đầy triển vọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.