.

Thu lãi cao nhờ nuôi cá lăng đuôi đỏ trong đất

Cập nhật: 17:38, 09/05/2021 (GMT+7)

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, ông Nguyễn Văn Pha (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) trở thành nông dân điển hình nuôi thành công cá lăng đuôi đỏ trong ao đất, thu lãi hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Pha (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) và cá lăng đuôi đỏ.
Ông Nguyễn Văn Pha (ấp Phước Hữu, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) và cá lăng đuôi đỏ.

Sở hữu ao nuôi với diện tích mặt nước 5.000m2, với 10 năm kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt trong ao đất như cá rô phi, cá chim, cá chép, nhưng ông Pha thấy hiệu quả kinh tế mang lại chưa được như mong đợi. Năm 2018, được sự tư vấn từ cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp tìm hiểu từ sách báo, ông Pha biết được cá lăng đuôi đỏ dễ nuôi, giá trị kinh tế cao nhất trong họ cá lăng trên thị trường. Mặt khác, cá lăng đuôi đỏ có thể nuôi lồng ghép với các loài cá khác như cá chép, cá trắm cỏ. Với những ưu điểm này, ông Pha đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi lồng ghép cá lăng đuôi đỏ cùng cá chép, cá trắm cỏ.

Năm đầu tiên khi chuyển sang nuôi cá lăng đuôi đỏ, ông Pha nuôi thử nghiệm theo tỷ lệ 50% cá lăng và 50% cá chép, cá trắm cỏ để lấy kinh nghiệm. “Sau 1 năm nuôi thử nghiệm, tôi đã thả theo tỷ lệ 8:1:1 (8 con cá lăng, 1 con cá chép, 1 con trắm trên 10m2 diện tích mặt nước). Ngoài ra, để giảm thiểu khả năng cạnh tranh thức ăn trong ao có thể xảy ra, tôi thả giống cá lăng trước sau đó mới thả cá chép, cá trắm”, ông Pha cho hay.

Cá giống được ông Pha chọn mua từ cơ sở bán cá lăng đuôi đỏ uy tín, cá khỏe mạnh, không gãy đuôi, dị hình, cỡ đồng đều, khối lượng trung bình 10g/con. Thức ăn của cá là phụ phế phẩm lò mổ như lòng gà, hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chi phí không đáng kể. 2 tháng đầu, thức ăn được xay nhỏ cho vào sàng. Mỗi ngày, ông Pha cho cá ăn 2 lần, vào 6 giờ sáng và trước 16 giờ chiều. Khẩu phần ăn khoảng 7-8% trọng lượng cá nuôi. Sau 2 tháng đầu, thức ăn được cắt khúc vừa với miệng cá với khẩu phần bằng khoảng 3% trọng lượng nuôi. Định kỳ, ông Pha bổ sung thêm Vitamin C, các khoáng vi lượng để tăng sức đề kháng cho cá. Khi thời tiết thay đổi, ông kiểm tra khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Sau 10 tháng nuôi, cá lăng đạt trọng lượng hơn 1kg/con, cá trắm cỏ đạt trọng lượng 2kg- 3 kg/con, cá chép đạt khoảng 4kg/con. Mặt khác, cá lăng đuôi đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, phần thịt mềm và thơm hơn khi chế biến món ăn nên cá lăng dễ tiêu thụ, giá cũng đắt hơn các dòng cá lăng khác. Hiện tại giá cá lăng bán buôn tại ao khoảng 75.000 đồng/kg. Trong khi đó cá chép, cá trắm có giá 50.000 đồng/kg với trọng lượng trên 1,5kg. Với cách làm này, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 2 tấn cá lăng và 1 tấn cá chép, cá trắm, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Mặc dù nuôi cá lăng đuôi đỏ có thời gian thu hoạch khá lâu, trung bình từ 12-18 tháng nhưng lợi nhuận thu được cao, lại ít rủi ro. Vì cá lăng có khả năng chống chịu bệnh rất tốt. Thậm chí, nếu có rủi ro đến 50-60% ở giai đoạn này thì người nuôi vẫn có lãi”, ông Pha thông tin thêm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết, mô hình nuôi ghép cá lăng đuôi đỏ kếp hợp cá chép, cá trắm của ông Pha được xem là mô hình nuôi thủy sản mới trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, người dân cần tham khảo, nghiên cứu về kỹ thuật, điều kiện tự nhiên cũng như nguồn thức ăn để tránh rủi ro.

NHUNG HOA - TRỌNG HOÀNG

.
.
.