.

Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt thủy sản

Cập nhật: 19:44, 06/05/2021 (GMT+7)

Chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác thủy sản tận diệt sang ngành nghề khác nhằm bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy hải sản là vấn đề được các ngành chức năng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc chuyển đổi nghề đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác thủy sản tận diệt sang ngành nghề khác nhằm bảo đảm bền vững nguồn lợi hải sản.  Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc thu hoạch thủy sản sau chuyển ra khơi.
Chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác thủy sản tận diệt sang ngành nghề khác nhằm bảo đảm bền vững nguồn lợi hải sản. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc thu hoạch thủy sản sau chuyển ra khơi.

CHUYỂN ĐỔI LÀ CẦN THIẾT

Với hơn 40 năm đi biển, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọ (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) đã trải qua nhiều giai đoạn sử dụng công cụ đánh bắt khác nhau, từ lưới rập, lưới vây đến giã cào… Theo bà Ngọ, nhiều năm trước, do việc đánh bắt cho sản lượng lớn và đa dạng nên nhiều ngư dân đã chuyển đổi qua nghề giã cào khiến nghề này tại địa phương tăng nhanh. Đây là hình thức đánh bắt gây cạn kiệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân. Những loại tôm, cá nhỏ khi dính vào lưới đều bị bắt hoặc khi bị lùa vào lưới bởi sức kéo của tàu, khi được thả trở lại biển thì cũng khó sống được. 

Nhận thấy tác hại của hình thức đánh bắt này, năm 2019, gia đình bà Ngọ quyết định đầu tư 60 triệu đồng để chuyển đổi sang nghề câu mực. “Thu nhập mỗi chuyến đi chỉ khoảng 30-40 triệu đồng, ít hơn so với trước đây nhưng tôi thấy việc chuyển đổi nghề không chỉ phù hợp với quy định của Chính phủ, mà còn bảo vệ nguồn lợi biển. Nếu bà con ngư dân muốn đánh bắt lâu dài, bền vững, việc chuyển đổi nghề là điều không thể tránh khỏi”, bà Ngọ nhấn mạnh.

Ngư dân Lộc An (huyện Đất Đỏ) sau chuyến ra khơi.
Ngư dân Lộc An (huyện Đất Đỏ) sau chuyến ra khơi.

Ông Nguyễn Văn Chung (KP. Hải Tân, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cũng chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang nghề lưới đổng năm 2020. Ông Chung cho biết, đầu năm 2020, tàu ông bị lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện vi phạm ngành nghề đánh bắt. Sau khi được địa phương và ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động, ông quyết định vay mượn 1,5 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa tàu, chuyển đổi ngư cụ, máy kéo cho 2 tàu công suất 380CV và 400CV. Theo ông Chung, ngư trường ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên ngư dân đã nhận thức được đâu là những nghề đánh bắt ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản bền vững nhưng không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi nghề. Đặc biệt, những gia đình sống bằng nghề khai thác ven bờ càng khó khăn hơn. “Nguồn vốn không đảm bảo để đầu tư vươn khơi nên nhiều ngư dân vẫn hoạt động gần bờ. Khó khăn lớn nhất của ngư dân là thiếu vốn để yên tâm chuyển đổi nghề, dù Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân phát triển nhưng ít người tiếp cận được”, ông Chung chia sẻ thêm.

Nghề lộng xếp là một trong những hình thức đánh bắt đã bị cấm song nhiều ngư dân vẫn chưa thực hiện chuyển đổi.
Nghề lộng xếp là một trong những hình thức đánh bắt đã bị cấm song nhiều ngư dân vẫn chưa thực hiện chuyển đổi.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ có 491 phương tiện hoạt động đánh bắt thủy sản với tổng công suất 210.768 CV; 124 đò nan, 423 thúng máy hoạt động gần bờ, tổng sản lượng đánh bắt năm 2020 khoảng 38 ngàn tấn. Đây là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền hành nghề giã cào lớn nhất tỉnh. Sau 3 năm thực hiện Đề án Phát triển ngành khai thác thủy sản thị trấn Phước Hải giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025, việc chuyển đổi nghề vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng nghề đánh bắt như lưới kéo, rập… giảm không đáng kể. Trên thực tế, địa phương chỉ có 5 tàu cá chuyển đổi nghề lưới kéo thực sự, trong đó có 3 chiếc đổi sang nghề lưới và 2 chiếc chuyển sang nghề câu. Song tất cả các tàu trên đều hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Các tàu còn lại chủ yếu chuyển đổi trên giấy phép, thực tế chưa chuyển đổi do kinh phí chuyển đổi quá cao, nhưng chưa có chính sách cũng như mô hình nào phù hợp để vận động chủ tàu cá chuyển đổi.

Thống kê của ngành nông nghiệp cho biết, toàn tỉnh có 2.202 tàu cá đánh bắt vùng ven bờ. Trong đó, số tàu cá hoạt động nghề lưới kéo là 1.575 chiếc, giảm 79 chiếc so với năm 2018, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đội tàu của tỉnh. Các tàu cá hành nghề lưới kéo hoạt động ven bờ (giã cào bay) kéo dài từ vùng biển Bình Châu, Phước Hải đến mũi Kỳ Vân, TP. Vũng Tàu..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn.

Sở NN-PTNTT đã trình UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để đạt hiệu quả cao trong chương trình chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ, tỉnh cần có lộ trình thời gian với sự hỗ trợ của các ban, ngành chức năng trong việc tạo nguồn vốn để ngư dân khai thác thủy sản gần bờ có điều kiện, động lực chuyển đổi nghề. Song song đó, để phát triển ngành đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhằm chuyển đổi sang các nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặt khác, mỗi ngư dân cũng cần nâng cao nhận thức, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản. Từ đó góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng đến việc khai thác lâu dài, bền vững.

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, Sở đã và đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản, chủ động tuyên truyền cho ngư dân hoạt động khai thác hải sản ven bờ vùng biển của tỉnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sở cũng khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

-------

Tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Chiều 6/5, Đồn Biên phòng Phước Tỉnh phối hợp với UBND TT. Long Hải, huyện Long Điền tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp cho hơn 200 chủ phương tiện đánh bắt xa bờ trên địa bàn thị trấn.

Tại hội nghị, các chủ phương tiện đã được thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hậu quả của việc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy hải sản; quy định xử phạt hành chính đối với tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp trên biển.

Ngoài ra, các chủ phương tiện còn được tuyên truyền, vận động sắp xếp thời gian cập bến để tham gia bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đúng thời gian quy định.

Dịp này, các chủ phương tiện đánh bắt xa bờ trên địa bàn TT. Long Hải đã ký cam kết khai thác thủy hải sản đúng pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

MINH NHÂN
.
.
.