Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá đồng loạt trong hơn 1 tháng qua, mức tăng phổ biến từ 5-15%, cá biệt có nhóm hàng tăng 40%. Việc tăng giá liên tục của các nhóm hàng hóa này khiến người tiêu dùng lo lắng.
Khách hàng mua sắm tại Lotte Mart Vũng Tàu. |
THỰC PHẨM THIẾT YẾU TĂNG ĐỒNG LOẠT
Do công việc thường xuyên phải đi công tác nên tranh thủ cuối tuần chị Đặng Bảo Ngọc (chung cư Bình An, TP. Vũng Tàu) lại ghé siêu thị gần nhà mua thực phẩm dùng cho cả tuần. Bình quân mỗi tuần gia đình chị chi khoảng 500 ngàn đồng mua thịt, cá và rau xanh; nếu phải mua dầu ăn, giấy, đường, mắm, muối… thì thêm khoảng 200 ngàn đồng nữa. Tuy nhiên, từ gần 3 tuần nay, chi phí này đã tăng lên hơn 100 ngàn đồng, do giá thực phẩm leo thang. “Hơn tháng nay, giá thịt, cá, rau, củ, dầu ăn, muối, đường... đều đồng loạt tăng nên tôi buộc phải tính toán để vừa bảo đảm dinh dưỡng cho các bữa ăn nhưng cũng không đội thêm chi phí sinh hoạt. Chẳng hạn như rau muống trước đây chỉ 10.000 đồng thì nay cũng đã 12.000 đồng; rau mồng tơi từ 6.000 đồng/bó thì nay đã tăng lên 10.000 đồng/bó; cua đồng cũng tăng từ 130 ngàn đồng/kg lên 150 ngàn đồng/kg”, chị Ngọc nói.
Theo đại diện siêu thị mini Bình An, TP. Vũng Tàu, từ 2 tháng nay nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá. Chẳng hạn, đường cát Biên Hòa sau Tết đã tăng từ 22.000 đồng lên 24.000 đồng/kg, thì từ cuối tháng 4 đến nay đã tăng thêm 2.000 đồng, lên 26.000 đồng/kg; hay dầu ăn Cái Lân tăng 4.000-5.000 đồng/chai, từ 28.000 đồng/chai lên 32.000 đồng/chai loại 1 lít. Nguyên nhân khiến giá hàng hóa tiêu dùng tăng thời gian gần đây là do nhà cung cấp cho rằng các đơn vị sản xuất thông báo do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Vì vậy, đơn vị cung cấp bắt buộc phải báo giá tăng và buộc cửa hàng, siêu thị phải tăng giá bán theo.
Ông Nguyễn Văn Chung, chủ cửa hàng tạp hóa 24 giờ, Khu đô thị Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng cũng thông tin, giá mặt hàng dầu ăn thực vật biến động nhiều nhất, trung bình giá dầu ăn nhập sỉ cũng đã tăng 7 - 9%. Ngoài ra, sữa Milo lốc 4 hộp (loại 180ml/hộp) tăng 2.000 đồng. “Hiện nhiều đơn vị phân phối như đường, sữa, nước mắm, mì ăn liền… cũng đã thông báo chuẩn bị tăng giá trong vài tuần tới đây”, ông Chung cho hay.
Thông tin từ Co.op Mart, Lotte Mart, VinMart+, Bách Hóa Xanh… từ giữa tháng 4, các siêu thị bắt đầu rục rịch nhận được đề nghị tăng giá hàng loạt mặt hàng vào tháng 5, trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nêu một số giải pháp ổn định cung - cầu hàng hóa nói chung và giá thép trong năm 2021. Cụ thể, Bộ sẽ chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế và lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các DN sản xuất thép. Đối với hàng tiêu dùng, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh trạnh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Khuyến khích các siêu thị có mạng lưới rộng và kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn áp dụng công cụ điều tiết để giữ và giảm giá. Điều này sẽ góp phần chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả thị trường có dấu hiệu tăng. |
GIÁ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TĂNG 20-30%
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, không chỉ giá tiêu dùng, giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép tăng mạnh đến hơn 40%. Cụ thể, thép phi 6-8 tăng từ 17.200 đồng/kg lên 18.300 đồng/kg, thép phi 12 từ 163.000 đồng/cây (11,7m) lên 180.000 đồng/cây, thép phi 18 tăng từ 370.000 đồng/cây lên 406.000 đồng/cây, thép phi 20 tăng từ 457.000 đồng/cây lên 500.000 đồng/cây.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, một nhà thầu thi công các công trình nhà dân dụng trên địa bàn TP. Vũng Tàu cho biết, từ đầu năm đến nay, anh gặp khó trong việc chốt hợp đồng với khách hàng dù đang là cao điểm xây dựng. Bởi sau khi nghe báo giá thi công tăng thêm từ 20-30% không ít người đã “một đi không trở lại”. Còn những công trình đang thi công, anh buộc phải thương lượng với chủ nhà để giảm lỗ. Tính chung chi phí đầu vào của một công trình xây dựng nhà ở đội lên trung bình 20% so với trước. “Chúng tôi đang triển khai 3-4 công trình nhà ở tại tỉnh, giá các hợp đồng gói thầu đã ký trước Tết, nay giá thép, vật liệu xây dựng tăng liên tục tôi coi như không có lãi, một vài công trình còn bị lỗ từ 10-20%. Giờ chỉ còn cách năn nỉ chủ đầu tư chuyển sang hợp đồng giá linh hoạt chứ giữ cố định như trước thì chúng tôi sẽ bị thiệt hại”, anh Minh nói.
Trước tình hình này, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định cung cầu, giá thép xây dựng. Cụ thể, trong ngắn hạn, ngoài việc phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để theo dõi, điều hành giá thép, Bộ Xây dựng sẽ chủ động tổng hợp thông tin của các địa phương trong cả nước về diễn biến tình hình giá thép làm ảnh hưởng đến tình hình đầu tư xây dựng công trình để kịp thời hướng dẫn, đề xuất với Chính phủ các biện pháp khắc phục (nếu có) nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường xây dựng trong năm 2021.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU