Doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch
Sau kỳ nghỉ lễ, các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh.
BQL Cảng cá Lộc An (Đất Đỏ) thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt cho người ra vào cảng. Ảnh: Kim Hồng |
THỰC HIỆN “5K”
Sáng 4/5, tại Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Lộc An (huyện Đất Đỏ) thuộc Công ty CP Baseafood, công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện nghiêm ngặt. Ngay tại cổng vào, nhân viên, công nhân và khách đến liên hệ công tác đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, điền thông tin trong tờ khai y tế.
Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, Giám đốc Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Lộc An cho biết, nhà máy có 159 cán bộ, công nhân viên. Ngoài thực hiện các bước bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ ngoài cổng, khi bước vào khu vực làm việc, công nhân phải thay đổi trang phục, khử khuẩn theo đúng các tiêu chí trong chứng chỉ HACCP. Trong quá trình làm việc, cứ 2 tiếng một lần công nhân phải rửa tay sát trùng. Khi ăn trưa, công nhân cũng được chia thành từng ca và thực hiện giãn cách để bảo đảm an toàn.
Đến Công ty CP Phát triển nhà BR-VT giao dịch, khách hàng và nhân viên phải ngồi giãn cách và luôn đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc. Đối với nhân viên trong dịp lễ nếu có đi ra ngoài tỉnh, khi đi làm trở lại buộc phải khai báo thông tin nơi đi, nơi đến.
Tương tự, BQL các cảng cá trên địa bàn tỉnh như: cảng Lộc An, cảng Phước Tỉnh, cảng Hưng Thái cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch như khai báo y tế, đo thân nhiệt người đến cảng ngay tại cổng. Ông Nguyễn Văn Hồ, Phó Giám đốc cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ) cho biết, mỗi ngày cảng Lộc An có khoảng 50 -70 người ra vào. Ai không tuân thủ biện pháp 5K, nhân viên không cho vào cảng. BQL còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng để kiểm tra, giám sát số lượng tàu ghe, thuyền viên khi cập bến. Các tàu khi vào bờ phải có đầy đủ giấy tờ khai báo về số lượng thuyền viên, đối chiếu với thông tin xuất bến ban đầu, chính xác mới cho lên bờ, đề phòng trường hợp nhập cảnh trái phép. BQL còn vận động ngư dân khi lên bờ không tụ tập quán xá hoặc nơi đông người. Ngoài ra, hàng ngày BQL còn tới từng ghe, tàu để tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Cọp, người cung cấp nước đá cho các tàu cá tại cảng Lộc An cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra vào cảng để cung cấp nước đá cho ngư dân. Được BQL Cảng, địa phương tuyên truyền phòng chống dịch, tôi cùng các bạn hàng nghiêm túc thực hiện. Việc chấp hành quy định của nhà nước không những bảo vệ sức khỏe, an toàn cho chính mình mà còn cho mọi người”.
TĂNG CƯỜNG GIAO DỊCH TRỰC TUYẾN
Sáng 4/5, sau khi mở cửa hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ lễ, điểm giao dịch Trung tâm kinh doanh VinaPhone - VNPT BR-VT (198 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu) đã đón những vị khách đầu tiên đến giao dịch. Trước phòng giao dịch, Trung tâm đã đặt bảng hướng dẫn thực hiện phòng chống COVID-19 và được khách hàng thực hiện nghiêm túc.
Ông Phạm Hoàng Vinh, phụ trách truyền thông Trung tâm kinh doanh VinaPhone - VNPT cho biết, toàn tỉnh có 14 điểm giao dịch với số lượt giao dịch trực tiếp tại quầy bình quân 100 lượt/ngày, riêng điểm giao dịch Trung tâm (198 Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Vũng Tàu) trung bình có 250 lượt/ngày. Trung tâm đã treo gắn biển, bảng trước cửa các điểm giao dịch nội dung tuyên truyền thông điệp 5K, khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào điểm giao dịch. Đồng thời trang bị nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí tại các bàn giao dịch. Ngoài ra, các điểm giao dịch còn lắp đặt tấm chắn trong suốt tại các bàn giao dịch nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và giao dịch viên.
Song song với các giải pháp phòng chống dịch trực tiếp, VinaPhone - VNPT BR-VT cũng đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh trực tuyến nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Cụ thể, đơn vị này đã đẩy mạnh hình thức thanh toán dịch vụ công nghệ thông tin bằng hình thức online như: ezpay, ezbank, chuyển khoản, ví điện tử VNPT Pay.
Đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các KCN
Sáng 4/5, 500 công nhân Công ty TNHH Dongjin Global (KCN Đất Đỏ 1) đều mang khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn và được đo thân nhiệt trước khi vào ca. Ông Lee Sung Jae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dongjin Global cho biết, ngay từ ngày đầu tiên làm việc sau kỳ nghỉ lễ, công ty đã chủ động rà soát, kiểm tra các công nhân ra ngoại tỉnh, đồng thời yêu cầu công nhân phải khai báo y tế, lịch trình đi lại trong thời gian nghỉ lễ.
Tại Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên), ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, công ty còn thành lập tổ ứng phó khẩn cấp bao gồm các bộ phận như: khử trùng, liên lạc, tuyên truyền, quản lý vật tư… Công ty cũng thực hiện giãn cách như: Bữa ăn ca của công nhân được chia thành nhiều ca, bảo đảm khoảng cách 2m. Sau nghỉ lễ, công nhân trở lại làm việc phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại trong thời gian nghỉ lễ.
Theo ông Phan Lê Hân, Phó Ttrưởng Phòng quản lý DN (BQL các KCN), thống kê ban đầu từ các DN cho thấy, khoảng 600 người lao động đã ra ngoài tỉnh trong dịp lễ và đã trở lại làm việc. BQL các KCN đã có văn bản yêu cầu các DN thực hiện công tác tự đánh giá về nguy cơ lây nhiễm tại DN mình, đồng thời phối hợp với BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Sở Y tế tiến hành công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các DN trong KCN trong vài ngày tới. BQL các KCN tỉnh cũng yêu cầu các DN thực hiện nghiêm việc đón, cách ly các chuyên gia, lao động kỹ thuật, các nhà quản lý làm việc tại KCN.
|
Bà Trần Anh Thư, Trưởng Phòng Kinh doanh Bưu điện tỉnh cho biết, Bưu điện tỉnh đã đề xuất với các cơ quan như BHXH tỉnh, Sở LĐTBXH tổ chức chi trả gộp tháng 5 và 6 tiền BHXH, lương hưu, trợ cấp xã hội cho đối tượng hưởng để giúp người dân hạn chế di chuyển, tập trung đông người; tổ chức chi trả tại nhà với một số đối tượng ưu tiên (cao tuổi, già yếu). Ngoài ra, Bưu điện tỉnh cũng đề xuất Sở TN-MT triển khai dịch vụ tiếp nhận tại địa chỉ, giải quyết hồ sơ đất đai nhanh theo yêu cầu người dân nhằm hạn chế tập trung đông người tại các Bộ phận một cửa.
Trong khi đó, các ngân hàng như: HDBank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank cũng trang bị đầy đủ khẩu trang cho giao dịch viên tại quầy, phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho khách hàng đến giao dịch. Trước cửa ra vào, các ngân hàng bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho khách và yêu cầu rửa tay sát khuẩn trước khi vào giao dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện các giao dịch trực tuyến tại nhà thông qua các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh và internet banking…
NHÓM PHÓNG VIÊN