Tin từ Công ty CP Gemadept, chủ đầu tư Cảng Gemalink (TX. Phú Mỹ) cho biết, dự kiến trong năm 2021, Gemalink sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế. Từ năm 2022, cảng phấn đấu khai thác hết công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEUs.
Tàu CMA CGM vào làm hàng tại Cảng Gemalink. |
Giai đoạn 2 của cảng dự kiến được triển khai vào cuối năm 2021, mở rộng với cầu tàu dài 1.500m, nâng trọng tải tàu cập cảng và có thể đón các con tàu lớn nhất thế giới trong tương lai gần với tải trọng lên đến 250 ngàn tấn. Cảng Gemalink có tổng vốn đầu tư 520 triệu USD cho 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 là 330 triệu USD và giai đoạn 2 là 190 triệu USD. Khi đưa vào hoạt động toàn dự án, cảng có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng, với công suất 2,4 triệu TEUs/năm.
Cảng Gemalink hiện có quy mô lớn nhất Việt Nam. Dự án do 2 tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Công ty CP Gemadept (GMD là 75%) và Tập đoàn CMA-CGM (25%) góp vốn đầu tư.
Khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, Cảng Gemalink đã đón chuyến tàu đầu tiên vào tháng 1/2021 vừa qua. Đây là một trong 19 cảng nước sâu trên toàn cầu có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay là 200 ngàn tấn.
Gemalink chú trọng đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại, trong đó dàn 6 cẩu STS và 18 cẩu E-RTG của Gemalink thuộc thế hệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) có bến chuyên dụng cho tàu feeder (tàu gom) và sà lan kết nối khu vực TP.Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn và các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Campuchia…
Theo đánh giá của Bộ GT-VT, việc đưa vào hoạt động Cảng Gemalink góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các hãng tàu và khách hàng xuất nhập khẩu, nâng cao tính cạnh tranh và cắt giảm chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam đến với thị trường thế giới.
Tin, ảnh: THỤY NHIÊN