Cảng biển tăng mức độ phòng chống dịch 

Thứ Hai, 24/05/2021, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cảng biển trong khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đã nâng cấp độ phòng, chống dịch. Theo đó, các DN đã chủ động xây dựng, bố trí lực lượng duy trì và thực hiện chặt chẽ từng khâu, từng bước theo quy định của Bộ Y tế và địa phương.

Lãnh đạo SNP kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cảng TCIT.
Lãnh đạo SNP kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Cảng TCIT.

HẠN CHẾ GIAO DỊCH TRỰC TIẾP

Trong tuần qua, BCĐ Phòng, chống dịch Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) do Thượng tá Võ Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng BCĐ đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 3 cảng trực thuộc ở khu vực CM-TV gồm: Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT), Cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCCT) và Cảng Tân Cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT).

Thượng tá Võ Hoài Nam cho biết, các cảng biển là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ sẽ rất nguy hiểm. Hàng ngày, các cảng biển trực thuộc đơn vị có hàng chục ngàn lượt người và phương tiện ra vào cảng. Do đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn phải bảo đảm nghiêm ngặt. “SNP tiếp tục chỉ đạo các cảng phải thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng kiểm soát người và phương tiện, giúp cho việc truy vết sớm nguồn lây nhiễm; bổ sung các phương án xử lý tình huống phòng, chống dịch phù hợp; phát huy tính năng của hệ thống camera an ninh cảng, thời gian lưu trữ các dữ liệu tối thiểu 45 ngày. Trung tâm Y tế Tân Cảng phối hợp với các cảng định kỳ phun thuốc khử trùng và phối hợp với các cơ quan chức năng của Tổng Công ty và chính quyền địa phương để có phương án phòng, chống dịch hiệu quả…”, Thượng tá Võ Hoài Nam nói.

Tương tự, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đã nâng mức phòng chống dịch ở cấp độ cao nhất. Theo đó, tất cả các cuộc họp đều được tổ chức trực tuyến và không tiếp khách. Đồng thời, khi giải quyết thủ tục hành chính, Cảng đã đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử. Thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ. Người trên bờ không được tiếp xúc với thuyền viên trên tàu. Việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu thực hiện cơ giới hóa. Công nhân từ bờ muốn lên tàu làm nhiệm vụ phải được sự cho phép của Bộ đội Biên phòng tỉnh, phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên…

Các cảng container khác như: Quốc tế Cái Mép (CMIT), Gemalink, Hưng Thái, Quốc tế Sài Gòn… ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế còn đẩy mạnh ứng dụng đăng ký thủ tục dịch vụ và thanh toán trực tuyến với khách hàng trên hệ thống cảng điện tử (ePort) và lệnh giao hàng điện tử (eDO) nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh và nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, trung tâm an ninh tại các cảng còn giám sát bằng hệ thống camera để bảo đảm không có thuyền viên lên bờ. Dữ liệu camera có thể lưu trữ được 45 ngày và truy xuất được mọi khung giờ khi cần thiết.

Nhân viên khi vào làm việc tại cảng CMIT phải khai báo y tế và đo thân nhiệt.
Nhân viên khi vào làm việc tại cảng CMIT phải khai báo y tế và đo thân nhiệt.

 

ĐỀ XUẤT TIÊM VẮC XIN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tuy nhiên, theo các DN cảng biển, các biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện tại cảng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, để ngăn chặn dịch COVID-19, cán bộ, nhân viên làm việc tại cảng cần được ưu tiên tiêm vắc xin.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, CMIT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh BR-VT và các cơ quan hữu quan về việc đề xuất tiêm vắc xin và hướng dẫn cụ thể các hoạt động ứng phó trong trường hợp có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tại cảng. Theo ông Kỳ, với đặc thù ngành nghề là phải tiếp xúc trực tiếp với các thành viên trên tàu biển quốc tế, khả năng lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cảng được Bộ Y tế đánh giá là nằm trong nhóm nguy cơ cao  nhóm thứ 3 trong danh sách các đối tượng cần được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Do đó, Cảng CMIT nói riêng và các DN trong cụm cảng CM-TV nói chung rất mong địa phương và các cơ quan hữu quan ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân viên và nhà thầu đang trực tiếp làm việc tại cảng sớm nhất có thể. Đồng thời, ban hành hướng dẫn cụ thể các hoạt động ứng phó trong trường hợp có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 tại các cảng nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Nhân viên Cảng TCIT hướng dẫn khách hàng khai báo y tế điện tử.
Nhân viên Cảng TCIT hướng dẫn khách hàng khai báo y tế điện tử.

Chung tay với các DN cảng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Hải quan tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ như: khuyến khích DN thực hiện thủ tục qua mạng bằng các chương trình nghiệp vụ của hải quan, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, thanh toán tiền thuế qua hệ thống 24/7; giải quyết và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khi thực hiện các thủ tục hoàn thuế, miễn thuế… Cục Hải quan tỉnh cũng duy trì giải đáp vướng mắc về chính sách, thủ tục hải quan thông qua hình trả lời bằng văn bản hoặc qua điện thoại, qua các trang thông tin điện tử của ngành.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.