Bộ TT-TT vừa công bố chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) năm 2020, BR-VT xếp thứ 7, tiếp tục trong top 10 các tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất. BR-VT tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và duy trì trong top đầu các địa phương trong cả nước về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bà Rịa sử dụng phần mềm “cấp giấy chứng nhận không biên giới” để làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân. |
BR-VT DUY TRÌ TOP 10
Theo Sở TT-TT, kết quả chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) được đánh giá hàng năm dựa trên 8 chỉ số thành phần đối với cấp sở ngành, cấp huyện và 7 chỉ số thành phần đối với cấp xã, gồm: Hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng nội bộ, dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử (đối với cấp sở ngành, cấp huyện), an toàn thông tin, nhân lực, cơ chế chính sách, đánh giá lãnh đạo. Từ bảng xếp hạng của Bộ TT-TT vừa công bố, BR-VT có chỉ số ICT Index 0,5502, xếp vị trí thứ 7 trong cả nước. Trong đó, một số chỉ số thành phần BR-VT đứng ở vị trí cao như: Chỉ số hạ tầng kỹ thuật (0,7146) xếp vị trí thứ 3; chỉ số hạ tầng kỹ thuật xã hội (0,9625) xếp vị trí thứ 2…
Chỉ số ICT Index 2020 đã phản ánh đúng thực trạng về ứng dụng và phát triển CNTT-TT của tỉnh. Kết quả này là nhờ quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT nội bộ cơ quan, đơn vị với mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN. Có thể lấy ví dụ từ xã Phước Hưng (huyện Long Điền) - 2 năm liền đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số ICT Index cấp xã, phường. Đến nay, hầu hết CBCC đã sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi, xử lý công việc. UBND xã Phước Hưng còn triển khai thực hiện công tác chuyên môn trên các phần mềm như: eGov (quản lý và điều hành văn bản); eGate (một cửa điện tử); Tamis (quản lý tài chính - kế toán); Autocard, Villis, Micro (quản lý địa chính)…. Việc sử dụng các phần mềm giúp UBND xã xây dựng được môi trường làm việc hiện đại, từng bước bắt nhịp nhu cầu giải quyết công việc trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc ứng dụng các phần mềm vào xử lý công việc, từ năm 2015 UBND xã Phước Hưng là một trong số ít đơn vị cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ đến người dân thông tin về hoạt động của lãnh đạo xã, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng, công khai thủ tục hành chính, điện thoại đường dây nóng lãnh đạo các cấp…
Sở TN-MT cũng được đánh giá là một trong những sở có nhiều ứng dụng CNTT hữu ích phục vụ người dân, DN và cả công tác quản lý. Ông Phạm Huỳnh Quang Hiếu, Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN-MT) cho biết, với mục tiêu góp phần tăng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thời gian qua, Sở TN-MT tỉnh đã xây dựng và tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch số 15/KH-STNMT ngày 11/2/2020 về Ứng dụng CNTT trong hoạt động ngành TN-MT giai đoạn 2020 - 2021. Đến nay, Sở TN-MT đã sử dụng 14 phần mềm phục vụ công tác quản lý của ngành TN-MT. Từ tháng 5/2021, Sở TN-MT cũng đưa ứng dụng cấp giấy chứng nhận không biên giới, đưa BR-VT trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước đưa nhiều ứng dụng CNTT nhất vào quản lý đất đai.
NÂNG CAO CHỈ SỐ ICT INDEX
Ngay sau công bố chỉ số ICT Index của Bộ TT-TT, UBND tỉnh BR-VT cũng đã ban hành Quyết định 1018/QĐ-UBND công bố kết quả chỉ số ICT Index năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên thang điểm 100, ở nhóm các sở, ban, ngành thì Sở Công thương (94,79 điểm) đứng đầu bảng xếp hạng; đứng cuối là Sở Ngoại vụ (70,17 điểm). Nhóm UBND các huyện, thị xã, thành phố: đứng đầu bảng xếp hạng là UBND huyện Long Điền với 88,93 điểm, đứng cuối là UBND huyện Đất Đỏ 84,03 điểm. Nhóm UBND các xã, phường, thị trấn (trên thang điểm 90): đứng đầu bảng xếp hạng là UBND xã Phước Hưng - huyện Long Điền (88,98 điểm), cuối bảng là UBND xã Cù Bị - huyện Châu Đức (63,81 điểm).
Theo UBND tỉnh, việc nâng cao mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT là việc làm quan trọng để triển khai các đề án, chiến lược trọng tâm trong thời gian tới như Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Bước đầu, các chương trình trên đã mang lại kết quả thiết thực như: đưa vào vận hành trung tâm tích hợp, nền tảng chia sẻ, kết nối dữ liệu của tỉnh; đưa vào vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu; liên thông gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính, đạt tỷ lệ trên 80%; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 69%, mức độ 4 đạt 55%; phần mềm một cửa điện tử triển khai thống nhất 3 cấp hành chính của tỉnh kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực được triển khai; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến trung ương; cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước tăng cường công khai, minh bạch thông tin quản lý, giúp người dân, DN tiếp cận thông tin và tương tác chính quyền dễ dàng hơn.
Hiện tỉnh BR-VT đang xây dựng Nghị quyết về việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ… Mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số là đến năm 2025, 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh; 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 100% hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã thông qua sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với hệ thống quốc gia…
BR-VT cũng đã đặt ra các bước đột phá, đó là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tỉnh sẽ từng bước triển khai kinh tế số, xã hội số trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: du lịch, dịch vụ, cảng biển, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, đô thị…
Bài, ảnh: QUANG VŨ