Trước những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc sụt giảm đầu tư vào các KCN, ngày 20/4, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh bàn các biện pháp tháo gỡ.
Công nhân Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1 - Conac TX. Phú Mỹ) may vali xuất khẩu. |
VỐN ĐẦU TƯ VÀO KCN CÒN THẤP
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Phòng Quản lý đầu tư BQL các KCN tỉnh cho biết, trong quý I/2021, BQL đã cấp mới 7 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 68 triệu USD, tổng diện tích đất sử dụng 45,68ha; điều chỉnh vốn đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký thêm 27,3 triệu USD. Như vậy, tổng vốn thu hút đầu tư trong quý I/2021 là 95,34 triệu USD, bằng 15,13% so với kế hoạch đề ra, chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo ông Phú, nguyên nhân khiến tình hình thu hút đầu tư giảm là do dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là đầu tư trong khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước. Trong khi đó, các DN đang hoạt động cũng sản xuất cầm chừng, giảm quy mô sản xuất. Một số DN cần phải làm thủ tục đầu tư hoặc tới giai đoạn ký kết hợp đồng chính thức không thể sang Việt Nam, dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch.
“Bên cạnh đó, theo Luật Đầu tư 2020, các dự án đầu tư vào KCN không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp tỉnh, nhưng thực hiện chủ trương sàng lọc dự án của tỉnh, trước khi cấp phép đầu tư vào KCN, nhà đầu tư phải trình các cấp thẩm quyền cho ý kiến trước rồi mới thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định. Thời gian làm các thủ tục này kéo dài từ 1-6 tháng nên nhà đầu tư có tâm lý e ngại, chuyển sang đầu tư ở địa phương khác”, ông Phú thông tin thêm.
Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư còn thụ động, chưa chủ động tiếp cận được các nhà đầu tư thực sự có tiềm năng; hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ vẫn chưa phát huy tác dụng; công nghiệp hỗ trợ còn yếu, DN nội chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI; chất lượng nguồn lao động địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của các DN… cũng tác động đến hoạt động thu hút đầu tư.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ NHÀ ĐẦU TƯ
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng BQL các KCN tỉnh, thời gian qua, BQL các KCN tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, gỡ khó cho các DN. Cụ thể, BQL các KCN tỉnh đã thực hiện cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính tại các KCN nhằm giúp các nhà đầu tư thuận tiện, yên tâm hơn trong triển khai đầu tư xây dựng dự án trong KCN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Việc quản lý một đầu mối đã giải quyết kịp thời, hiệu quả các vướng mắc trong lĩnh vực thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép lao động, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xây dựng. Đồng thời, BQL cũng chuẩn bị quỹ đất sạch, vận động người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội đầu tư…
Trước dự báo của các chuyên gia kinh tế về việc sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, làn sóng đầu tư FDI vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng, ông Nguyễn Anh Triết cho rằng cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để tăng thu hút đầu tư. Trong đó cần duy trì và tăng cường cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và xử lý nghiêm các nhà đầu tư không có năng lực, vi phạm pháp luật, tác động xấu đến môi trường và các dự án chậm triển khai…
Bên cạnh đó, BQL các KCN tỉnh cũng kiến nghị cần xây dựng các bộ chỉ số đánh giá về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho từng DN trong KCN; bộ chỉ số đánh giá về rủi ro hoạt động sản xuất kinh doanh và sức khỏe tài chính của các DN trong KCN; triển khai nhanh các gói hỗ trợ DN; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề gắn với chiến lược thu hút đầu tư trong các KCN; tăng cường công tác hậu kiểm các dự án nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của BQL các KCN tỉnh cũng như các sở, ngành để kịp thời phát hiện sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý dứt điểm…
Về chương trình xúc tiến đầu tư, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, công tác xúc tiến đầu tư vào KCN chiếm 2/3 trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Vì vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư cũng nên đổi mới theo hướng tích cực và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng khả năng tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng nhanh chóng và hiệu quả; chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới…
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Công Vinh yêu cầu BQL các KCN tỉnh rà soát những tồn tại, vướng mắc mà các nhà đầu tư hạ tầng và thứ cấp trong các KCN đang gặp phải, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để đưa ra lộ trình giải quyết, sớm tháo gỡ cho từng dự án. Qua đó làm tốt hơn nữa việc thu hút đầu tư vào KCN trong thời gian tới.
Tính đến ngày 15/3/2021, tại các KCN của tỉnh có 467 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 220 dự án đầu tư trong nước (vốn đầu tư 102.775 tỷ đồng và 1,504 tỷ USD); 249 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư 12,168 tỷ USD). Tổng diện tích đất thuê là 3.066ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 52,34% trên tổng số KCN và 62,23% trên số KCN đã hoàn thiện hạ tầng (13 KCN). |
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU