Quay cuồng trong cơn sốt đất

Thứ Sáu, 16/04/2021, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đang quay cuồng trong cơn sốt đất. BR-VT cũng không ngoại lệ. Từ thành phố đến vùng thôn quê, đâu đâu người ta cũng râm ran chuyện mua nhà, bán đất. Số lượng hồ sơ mua bán, chuyển nhượng nhà, đất cũng tăng mạnh.

Nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Xuyên Mộc xử lý hồ sơ đất chuyển nhượng trên địa bàn huyện.
Nhân viên Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Xuyên Mộc xử lý hồ sơ đất chuyển nhượng trên địa bàn huyện.

GIAO DỊCH SÔI ĐỘNG

Cuối tuần, chị N.T.T.S. cùng một số người bạn tranh thủ về huyện Xuyên Mộc để “săn” đất. Chị S. kể, chị và người bạn vừa mua chung lô đất tại TP. Bà Rịa với giá 3,7 tỷ đồng, xuống cọc xong “lướt sóng” bán luôn với giá 4,5 tỷ đồng trong vòng chưa đến 1 tháng. Trừ chi phí, mỗi người được 350 triệu đồng. Thấy có lãi nhanh, chị S. quyết định bán thêm một lô đất tại TP. Bà Rịa, đồng thời rút hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm ở ngân hàng để tăng vốn đầu tư tại những khu vực có tính thanh khoản cao, nhanh sinh lời hơn. “Nghe nói đất Xuyên Mộc đang nóng, mua đi bán lại rất nhanh nên tôi chuyển hướng sang đầu tư ở đây”, chị S. cho biết.

Số lượng người đi xe biển số các tỉnh, thành phố lân cận đổ về Xuyên Mộc mua đất những ngày gần đây cũng tăng mạnh. Vì vậy, giá đất tại huyện Xuyên Mộc tiếp tục leo thang, đặc biệt là từ giữa tháng 3 đến nay. Trong đó, giá đất tại các xã ven biển như Phước Thuận, Bình Châu và trung tâm huyện tăng mạnh nhất, có nơi gấp 2-3 lần so đầu năm 2020. Cơn sốt đất đã lan rộng đến mức từ văn phòng, công sở đến quán cà phê, quán nhậu, ở đâu người ta cũng bàn tán chuyện mua bán đất. Nhiều nơi, người dân còn bỏ kinh doanh, sản xuất để lao vào đầu tư đất.

Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Xuyên Mộc cho biết, trước sức nóng của thị trường bất động sản, sau Tết Nguyên đán, huyện Xuyên Mộc phải thành lập thêm 2 văn phòng công chứng để đáp ứng nhu cầu mua bán, chuyển nhượng đất đai của người dân. Những khu vực có nhiều giao dịch là thị trấn Phước Bửu, xã Bình Châu, xã Phước Thuận. Gần đây, một số xã có lượng hồ sơ chuyển nhượng đất đai tăng cao là Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bàu Lâm.

Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết, trong quý I/2021, văn phòng đã tiếp nhận 47.194 hồ sơ, tăng 29,72% so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng tăng 10.813 hồ sơ). Trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 97,13%. Theo ông Tuấn, sở dĩ số lượng hồ sơ tăng mạnh như vậy phần lớn nguyên nhân là do cơn sốt đất dẫn đến các giao dịch chuyển nhượng tăng cao.

 

Cũng như Xuyên Mộc, làn sóng giao dịch đất nền tại huyện Châu Đức sôi động không kém, với mặt bằng giá tăng từ 30-50% so với cuối năm 2020. Ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Châu Đức cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, lượng hồ sơ tăng khoảng 30-40% so với tháng 3, giao dịch biến động chuyển nhượng là chủ yếu và tập trung ở các xã Suối Nghệ, Nghĩa Thành, Đá Bạc, Kim Long”, ông Lâm dẫn chứng.

Tại TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu, cơn sốt đất nền từ đầu năm 2021 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặt bằng giá một số khu vực đã cao hơn cùng kỳ 2-3 lần. Một số lô đất vướng quy hoạch cũng được bán với giá cao ngất ngưởng. Chẳng hạn, một chủ nhà vừa rao bán căn nhà cấp 4 có diện tích 80m2, trong đó có 40m2 thổ cư tại một hẻm đường 2/9 (TP. Vũng Tàu) với giá 1,88 tỷ đồng. Sau khi mua với giá 1,8 tỷ đồng, nhà đầu tư tên N. rao bán trên các trang bất động sản với giá 2,25 tỷ đồng. Anh N. tư vấn khi chúng tôi liên lạc: “Chị mua đầu tư tiếp vẫn có lời. Làm giấy tờ xong, chị đẩy giá lên 2,5 tỷ đồng”. Chúng tôi đi kiểm tra quy hoạch căn nhà này thì mới hay toàn bộ diện tích nằm trong diện quy hoạch khu Bắc sân bay và rất có khả nhà đầu tư N. sẽ phải “ôm” ngôi nhà đó chứ không dễ bán như anh nói.

TỈNH TÁO ĐỂ TRÁNH RỦI RO

Các chuyên gia bất động sản lý giải, cơn “sốt đất” tại BR-VT có nhiều nguyên nhân. Trong đó phần nhiều là do cơ sở hạ tầng ngày càng tốt, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. BR-VT là địa phương có nhiều lợi thế về du lịch, công nghiệp đang hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có những dự án quy mô quốc gia đang hoặc sắp triển khai tại BR-VT hoặc liền kề BR-VT như: Dự án hóa dầu Long Sơn, sân bay Long Thành, cao tốc Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Ngoài ra, giới kinh doanh bất động sản cũng nhận định, giá đất tại BR-VT tăng mạnh thời gian gần đây còn do thông tin được “bơm thổi” bởi “cò” đất. Đa phần người dân lao vào đầu tư, mua đi bán lại kiếm lời trong khi nhu cầu sử dụng thực tế rất ít.

Một văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Châu Đức đang làm thủ tục công chứng sang nhượng cho người dân.
Một văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Châu Đức đang làm thủ tục công chứng sang nhượng cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Đào tạo bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, giai đoạn sốt đất là lúc các đối tượng tội phạm, lừa đảo dễ bề hoạt động. Vì vậy, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường nên lưu ý một số vấn đề để hạn chế rủi ro. Trước hết, chỉ nên mua các sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý (tài sản đã được cấp giấy chứng nhận chủ quyền); các sản phẩm tại những dự án của chủ đầu tư uy tín, được Sở Xây dựng các địa phương công khai cho phép huy động vốn và được ngân hàng thương mại cấp bảo lãnh tín dụng. Người dân cũng không nên mua theo hình thức sang tay giấy đặt cọc, không nên tham gia mua bán tại những thị trường quá sốt nóng, sốt ảo (nơi có sự thay đổi về quy hoạch, giá cả tăng hàng ngày, bước tăng giá lớn trong khoảng thời gian ngắn). Không nên sử dụng đòn bẩy tín dụng quá sức chi trả của bản thân, tránh rủi ro về khoản vay khi nhà nước có động thái siết chặt tín dụng hoặc các ngân hàng tăng lãi suất. Ngoài ra, khi đầu tư, người dân cần tham vấn từ các chuyên gia bất động sản uy tín, nắm bắt thông tin từ những kênh chính thống để tránh tin giả mạo, thất thiệt.

Người dân, “cò” xem đất tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).
Người dân, “cò” xem đất tại xã Bình Ba (huyện Châu Đức).

Các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cho rằng, nếu giá bất động sản tăng hoặc giao dịch nhộn nhịp tại các dự án rõ ràng về pháp lý thì không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các giao dịch, chiêu trò “thổi giá” thường diễn ra ở các dự án chưa xong thủ tục pháp lý, thậm chí tự phân lô để bán, hoặc là thu gom đất nông nghiệp để mua bán sang tay. Đây là những rủi ro tiềm ẩn, rất cần sự can thiệp từ phía các cơ quan quản lý.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Các bộ vào cuộc dập sốt đất ảo

Trước hiện tượng sốt đất ảo, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT đã đồng loạt yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất nhằm kiểm soát giá, tránh ảnh hưởng đến đầu tư, gia tăng vi phạm pháp luật.

Theo đó, Bộ TN-MT đề nghị các địa phuơng thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Các địa phương quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về tách thửa đất; xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… thông tin kịp thời về quy hoạch địa phương đề người dân hiểu, thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Bộ Xây dựng cũng ra văn bản yêu cầu các tỉnh, thành kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... để người dân thuận lợi tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá đất lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Một cán bộ Sở TN-MT cho biết, mỗi lần sốt đất sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ cho việc điều hành kinh tế xã hội. Kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, nhà nước phải bỏ ra lượng ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn, đồng thời các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra lượng tiền lớn hơn để đầu tư vì giá cho thuê đất tăng. Những điều đó làm cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tình trạng “sốt đất” tại một số nơi thuộc tỉnh BR-VT đã kéo theo nhiều hệ lụy, khi xuất hiện những dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý đã rao bán, thậm chí có dự án “ma” được vẽ ra trên giấy nhưng đã rao bán cho nhiều người. Các nạn nhân hiện tại như “ngồi trên đống lửa” vì tiền đã trao, sổ đỏ chưa được nhận nhưng chủ đầu tư đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra. Các thửa đất trồng cây lâu năm do cá nhân đứng tên sử dụng, sau đó ủy quyền lòng vòng rồi thông qua công ty môi giới được “gắn mác” dự án khu dân cư. Nhiều người đã đóng tiền nhưng không được giao đất. Để hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu nại và giới đầu cơ “thổi” giá đất thu lợi bất chính, Sở TN-MT khuyến cáo người dân trước khi giao dịch nhà đất nên liên hệ UBND địa phương tìm hiểu kỹ pháp lý và quy hoạch sử dụng đất.

 

 

 

;
.