Phát triển kinh tế từ đồng vốn xoay vòng

Chủ Nhật, 11/04/2021, 18:41 [GMT+7]
In bài này
.

Hàng tháng, mỗi hội viên Hội CCB xã An Nhứt, huyện Long Điền đóng góp vào tổ vay vốn xoay vòng 1 triệu đồng, người khó khăn được vay trước để có vốn làm ăn... Tồn tại hơn 20 năm qua, mô hình tổ tiết kiệm xoay vòng cùng nhiều hình thức hỗ trợ vốn khác đã giúp hội viên Hội CCB xã An Nhứt vươn lên, ổn định cuộc sống. 

CCB Nguyễn Tấn Tài (phải) giới thiệu mô hình trồng tre lấy măng.
CCB Nguyễn Tấn Tài (phải) giới thiệu mô hình trồng tre lấy măng.

CCB Nguyễn Tấn Tài (60 tuổi, tổ 5, ấp An Lạc, xã An Nhứt) được nhiều người trong xã biết đến không chỉ bởi ông luôn hăng hái, mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Ông là người đầu tiên trong xã thử nghiệm trồng tre lấy măng.

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1988, ông Tài phục viên, trở về quê. Ruộng nhà không có nhiều, hai vợ chồng chăm chỉ quanh năm, nhưng do thiếu vốn, thu nhập từ nghề nông không cao, gói ghém lắm mới đủ tiền nuôi 4 con ăn học. Từ năm 2000, ông là một trong những hội viên đầu tiên tham gia mô hình tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng. Theo đó, mỗi tháng, khoảng 11 CCB góp mỗi người 1 triệu đồng, ai khó khăn được ưu tiên nhận trước, tháng sau tới người khác. “10 triệu đồng thời điểm ấy là số tiền lớn, có thể giúp hội viên mua con giống, cây giống cải thiện thu nhập. Ngoài ra, tôi còn được vay tín chấp 10 triệu đồng từ ngân hàng, số số tiền đó mua vịt, gà giống để chăn nuôi. Sau đó tôi chuyển qua trồng rau thơm và giờ là trồng tre lấy măng”, ông Tài nói.

Được hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng số vốn của gia đình, CCB Trịnh Xuân Hùng (trái) trồng lan ngọc điểm.
Được hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng số vốn của gia đình, CCB Trịnh Xuân Hùng (trái) trồng lan ngọc điểm.

Theo ông Tài, sau mấy năm trồng rau thơm, nhưng thu nhập chỉ khoảng 40 triệu đồng/năm, lại vất vả, cuối năm 2019, ông quyết định cải tạo vườn, trồng 60 bụi tre trên diện tích hơn 800m2 của gia đình. Đầu năm 2021, ông bắt đầu thu hoạch măng. “Mỗi tuần 2 lần, tôi thu hoạch được khoảng 40kg măng, thương lái tới tận nhà thu mua với giá 25.000 đồng/kg. Trồng tre rất nhàn, chỉ cần giữ ẩm, ủ phân bằng rơm rạ có sẵn trên đồng ruộng là cây phát triển tốt, cho măng chất lượng. Giờ mỗi tháng thu nhập của gia đình tôi khoảng 7-8 triệu đồng từ măng, rất ổn định”, ông Tài cho hay.

Tương tự, CCB Huỳnh Hữu Thành (56 tuổi, tổ 4, ấp Đồng Trung, xã An Nhứt), việc tham gia tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng cũng giúp kinh tế gia đình ổn định. Nhà sẵn 1,4 ha ruộng, hai vợ chồng ông trồng lúa, đồng thời tranh thủ làm thêm, ai thuê mướn gì cũng làm. Khi tham gia góp vốn xoay vòng, mỗi lần nhận số tiền 10 triệu đồng, ông mua thêm phân bón, giống... “Đến nay, một năm nhà tôi làm 3 vụ lúa, mỗi vụ lãi khoảng 40 triệu đồng. Gia đình đã có của ăn, của để. Tôi vẫn luôn cảm ơn các thành viên của Hội, những đồng vốn góp, dù nhỏ nhưng đã giúp gia đình tôi bước qua khó khăn”, ông Thành nói. 

Hội CCB xã An Nhứt hiện có 56 hội viên, đều có kinh tế khá, trung bình khá. Suốt hơn 20 năm qua, các thành viên trong Hội luôn giúp nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 1999 đến nay, các hội viên đã thành lập và duy trì tổ tiết kiệm xoay vòng vốn, mỗi tháng góp 10 triệu đồng để hội viên khó khăn được nhận trước, kịp thời giải quyết nhu cầu về vốn. Bên cạnh đó, Hội còn có Quỹ “Vốn xoay vòng hội viên” với tổng số vốn huy động được là 40,6 triệu đồng, giúp hội viên vay không tính lãi để sản xuất chăn nuôi. Hội cũng đang quản lý 2 tổ vay vốn tín chấp Ngân hàng CSXH cho hội viên vay vốn để sản xuất và chăn nuôi với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Huyền, Chủ tịch Hội CCB xã An Nhứt cho biết, đáng quý là các hội viên không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn sẵn sàng giúp đỡ nhau trong sản xuất. Như gia đình ông Tài vừa chuyển giao kĩ thuật trồng tre lấy măng cho một gia đình khác trong xã, với 100 bụi tre, hứa hẹn cho thu hoạch măng vào năm tới; những hộ gia đình trồng lan ngọc điểm thì giúp nhau về kĩ thuật tưới, chăm sóc để hoa lan phát triển, cho thu nhập cao.

Không chỉ sản xuất giỏi, Hội CCB xã còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, như mô dân vận khéo “tuyến đường hoa xanh-sạch-đẹp” dài 1km tại ấp An Trung, ấp An Đồng với hơn 100 cây hoa hoàng yến, dừa cạn; các CCB còn hiến đất làm đường nông thôn, làm kênh thoát nước trên đồng, như hộ CCB Bùi Văn Hoàng hiến 200m2 đất; CCB Huỳnh Hữu Thành hiến 70m2 đất.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả trong phong trào hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồng thời khuyến khích hội viên tham gia phát triển công tác Hội, hăng hái xây dựng nông thôn mới ở địa phương, xứng danh Anh bộ đội Cụ Hồ”, ông Nguyễn Thanh Huyền nhấn mạnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.