NƯỚC SẠCH - TỪ TẦM NHÌN ĐẾN LỢI THẾ CẠNH TRANH

Kỳ cuối: Nước trở thành lợi thế cạnh tranh

Thứ Tư, 28/04/2021, 19:57 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với điện và khí, nước là một trong 3 lợi thế cạnh tranh giúp BR-VT trở thành điểm đến thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước.

Nguồn nước dồi dào, cấp nước an toàn là lý do đầu tiên mà các nhà đầu tư Nhật Bản chọn để đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3.  Trong ảnh: Kỹ sư Công ty CTNH KOA (Nhật Bản) điều khiển máy móc hoạt động tại công ty.
Nguồn nước dồi dào, cấp nước an toàn là lý do đầu tiên mà các nhà đầu tư Nhật Bản chọn để đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Trong ảnh: Kỹ sư Công ty CTNH KOA (Nhật Bản) điều khiển máy móc hoạt động tại công ty.

YÊN TÂM VỀ NGUỒN NƯỚC

KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tọa lạc tại phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ với tổng diện tích gần 1.000ha. Hạ tầng KCN đã kết nối đồng bộ từ hệ thống cấp điện, cấp nước, nhà máy nước thải, đường nội bộ ra các đường lớn, đến cảng nước sâu... Theo ông Kazama Toshio, thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ, chủ đầu tư KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN đã đưa vào hoạt động 60% công suất giai đoạn 1 với 20 dự án (12 dự án của Nhật Bản, 3 dự án của Hàn Quốc, 4 dự án của Việt Nam và 1 dự án liên doanh giữa Việt Nam và Thụy Sĩ). Các dự án trong KCN chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nội thất, đồ gỗ, hóa chất, sản xuất giấy bìa…

Trả lời câu hỏi vì sao chọn BR-VT làm điểm đến đầu tư, ông Kazamo Toshio chia sẻ, ngay khi chủ đầu tư có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, tổ chức JICA Nhật Bản đã giúp khảo sát nhiều địa phương. “Nước, điện, khí thiên nhiên và cảng nước sâu là 4 lý do để nhà DN Nhật Bản chọn BR-VT. Trong đó, nguồn nước dồi dào từ các hồ cấp của BR-VT, năng lực cấp nước chuyên nghiệp của Công ty CP cấp nước Phú Mỹ (Phumy Wasuco) là lý do đầu tiên. Bởi chúng tôi hiểu rằng, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 có vị trí thuận lợi đến đâu, chính sách ưu đãi như thế nào mà nguồn nước không bảo đảm, áp lực nước không ổn định để sản xuất thì nhà đầu tư cũng sẽ ra đi”, ông Kazama Toshio nói.

Theo ông Kazama Toshio, nhu cầu sử dụng nước của các dự án trong KCN hiện tại là 20 ngàn m3/ngày đêm. Nhu cầu sử dụng khá lớn nhưng các DN thứ cấp trong KCN chưa từng than phiền về việc cung cấp nước. “Trong năm 2022, giai đoạn 2 của dự án KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đi vào hoạt động, dự kiến nhu cầu sử dụng nước sản xuất và sinh hoạt của KCN sẽ lên đến 50 ngàn m3/ngày đêm, Công ty CP cấp nước Phú Mỹ vẫn đủ khả năng đáp ứng”, ông Kazama Toshio cho biết thêm.

Kỹ sư Công ty TNHH KOA (KCN Phú Mỹ 3) kiểm tra hoạt động sản xuất giấy tại công ty.
Kỹ sư Công ty TNHH KOA (KCN Phú Mỹ 3) kiểm tra hoạt động sản xuất giấy tại công ty.

Tháng 8/1996, Heineken chính thức đặt nhà máy bia Heineken - Vũng Tàu tại KCN Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ. Bà Holly Bostock, Giám đốc ngoại vụ cấp cao Công ty CP Nhà máy Bia Heineken Việt Nam cho biết, đây là nhà máy lớn nhất trong hệ thống nhà máy bia Heineken tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với vốn đầu tư 381 triệu USD, công suất 610 triệu lít/năm. Với quy mô như vậy, trung bình nhà máy bia Heineken sử dụng 3.500m3 nước/ngày. Heineken đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để nâng công suất lên 1,1 tỷ lít/năm và lúc đó nhu cầu sử dụng nước sạch để sản xuất của nhà máy sẽ lên gấp đôi, khoảng 7.000m3/ngày. Với nhu cầu sử dụng nước khá lớn như vậy, BR-VT được xếp vị trí đầu tiên trong ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư, bởi địa phương không chỉ có trữ lượng nước lớn mà còn có năng lực cấp nước tốt, chuyên nghiệp.

Một số tập đoàn xuyên quốc gia như Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, Hyosung, Lotte... cũng chọn BR-VT là điểm đến đầu tư với các dự án lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, Nhà máy sản xuất Polypropylene, kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), bến cảng Hyosung Vina Chemicals, nhà máy kính nổi siêu trắng… Một trong những lý do để BR-VT luôn nằm trong sự ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư phải kể đến khả năng cung cấp nước cho sản xuất, kinh doanh của DN.

Công nhân, kỹ sư BWACO thi công tuyến ống có chiều dài hơn 15 km,  dọc QL.55 từ Nhà máy nước Phước Bửu đến ngã ba Láng Giăng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Công nhân, kỹ sư BWACO thi công tuyến ống có chiều dài hơn 15 km, dọc QL.55 từ Nhà máy nước Phước Bửu đến ngã ba Láng Giăng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

ĐI TRƯỚC ĐÓN ĐẦU

Theo bà Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT), trên địa bàn tỉnh có 6 đơn vị cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh gồm: Công ty CP cấp nước BR-VT; Công ty CP cấp nước Châu Đức; Công ty CP Cấp nước Phú Mỹ; Công ty TNHH Cấp nước Tóc Tiên; Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Trạm cấp nước Côn Đảo. Tổng công suất cấp nước trên địa bàn tỉnh khoảng 300.300m3/ngày đêm, tương đương 110 triệu m3/năm. Bà Thanh khẳng định, tỉnh BR-VT có nguồn tài nguyên nước mặt đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay cũng như trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã tính toán dôi dư và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân và phục vụ sản xuất cho các DN đến năm 2030.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, tính đến ngày 15/3/2021, tại các KCN của tỉnh có 467 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó 220 dự án đầu tư trong nước;  249 dự án đầu tư nước ngoài. Từ sự phát triển kinh tế của tỉnh, số lượng các dự án cho thấy nhu cầu sử dụng nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của tỉnh ngày càng tăng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và nhiều ưu đãi khác, việc phát triển hệ thống cấp nước cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp BR-VT ghi điểm trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Tấn Luận, Giám đốc Phumy Wasuco cho biết, năng lực cấp nước của Công ty là 150 ngàn m3/ngày. Quý I/2021 là những tháng cao điểm mùa khô, trung bình Công ty cấp 90 ngàn m3/ngày cho khoảng 28 ngàn khách hàng, trong đó 80% là khách hàng DN, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sản xuất và sinh hoạt cho 7 KCN. “Chúng tôi tự tin có thể cấp nước cho các DN, các KCN lớn trên địa bàn tỉnh và tính toán được cả sự phát triển cho tương lai. Với nhu cầu sử dụng nước gấp đôi so với hiện tại, Công ty vẫn đáp ứng tốt. Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp nước sạch bảo đảm chất lượng, an toàn, Phumy Wasuco còn quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Cụ thể, Công ty luôn đồng hành hỗ trợ các nhà đầu tư, sửa chữa ống bể, dò tìm thất thoát nước khi có sự cố; đồng thời có phương án dự phòng tuyến ống đấu mạch vòng để bảo đảm an toàn cấp nước cho các KCN”, ông Luận cho hay.

Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt Phú Mỹ.
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt Phú Mỹ.

Các đơn vị cấp nước khác cũng không ngừng nâng công suất nhà máy, đầu tư lắp đặt các tuyến ống mới hoặc thay thế các tuyến ống cũ để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao của khách hàng. Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) đang xây dựng tuyến ống truyền tải nước sạch D450 tăng cường truyền tải nước sạch cho khu vực Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Tuyến ống có chiều dài hơn 15km dọc Quốc lộ 55 từ nhà máy nước Phước Bửu đến ngã ba Láng Giăng, xã Bình Châu. Dọc tuyến có đặt một số điểm chờ để phục vụ nhu cầu phát triển khách hàng trong tương lai. Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng (dự kiến tháng 11/2021), tuyến ống này sẽ bổ cập thêm nguồn nước cho khu vực Bình Châu với lưu lượng 5.000m3/ngày, giải quyết nhu cầu thiếu nước mùa khô cho Bình Châu và bảo đảm cấp nước cho các dự án du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc như Novaland, Sài Gòn - Bình Châu...

Ông Nguyễn Lương Điền, Tổng Giám đốc BWACO cho biết, Công ty đang sản xuất 190 ngàn m3 nước/ngày đêm cung cấp cho 193 ngàn khách hàng, trong đó có 11 ngàn khách hàng DN. “Nhằm đi trước đón đầu sự phát triển của tỉnh, BWACO đang thực hiện giai đoạn 2 dự án Nhà máy nước Đá Đen, nâng công suất lên 225 ngàn m3/ngày. Như vậy, cuối năm 2021, tổng công suất của các nhà máy nước thuộc BWACO là 270 ngàn m3/ngày, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của tỉnh đến năm 2030. Trong tương lai, Công ty tiếp tục nâng công suất nhà máy nước Đá Đen thêm 100 ngàn m3/ngày”, ông Điền cho biết.

Theo kết quả điều tra của Sở TN-MT, hiện trạng khai thác nước đất trong toàn tỉnh chưa vượt giới hạn khai thác cho phép (222.692m3/ngày), đạt tỷ lệ 65,8% giới hạn, tương ứng lượng nước còn lại là 115.565m3/ngày. Để đảm bảo an ninh nguồn nước, tỉnh luôn khuyến khích các DN cũng như đơn vị cung cấp nước sạch có biện pháp sử dụng nguồn nước mặt thay thế cho việc khai thác nước dưới đất. Hiện tại, nguồn nước cấp sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ nguồn nước mặt, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu cấp nước hiện tại cũng như tương lai. Trong đó, các vùng giàu nước gồm: khu vực Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ); Hòa Long (TP. Bà Rịa); Tam Phước (huyện Long Điền), Phước Hội (huyện Đất Đỏ); Bình Ba, Láng Lớn, Kim Long, Quảng Thành, Xà Bang (huyện Châu Đức).
Còn theo kết quả quan trắc chất lượng nước dưới đất năm 2020 trên địa bàn tỉnh, chất lượng nước tại các vị trí quan trắc có các thông số hóa - lý đều nằm trong giới hạn cho phép.


Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.