.
NƯỚC SẠCH - TỪ TẦM NHÌN ĐẾN LỢI THẾ CẠNH TRANH

Kỳ 2: An toàn nguồn nước là nhiệm vụ số 1

Cập nhật: 19:46, 26/04/2021 (GMT+7)

Để bảo vệ an toàn nguồn nước, tỉnh đã kiên quyết di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất, chăn nuôi có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và quy hoạch hành lang bảo vệ an toàn hồ chứa nước.

Kỹ sư tự động hóa giám sát hoạt động sản xuất từ Trung tâm điều hành Công ty CP Cấp nước Châu Đức.
Kỹ sư tự động hóa giám sát hoạt động sản xuất từ Trung tâm điều hành Công ty CP Cấp nước Châu Đức.

 LOẠI BỎ CÁC NGUY CƠ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC

Nói về những quyết sách của BR-VT trong việc bảo vệ và giữ gìn nguồn nước sạch cho hàng triệu người dân, có lẽ những người quan tâm đến hệ thống cấp nước của tỉnh chưa quên được sự kiện đóng cửa nhà máy dệt nhuộm của Công ty TNHH MeiSheng, hồi tháng 5/2016.

Thời điểm đó, Công ty TNHH MeiSheng đóng chân tại cụm CN-TTCN Ngãi Giao (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), nằm ở vị trí thượng nguồn các con suối đổ về hồ Đá Đen. Nước thải nhuộm từ nhà máy của MeiSheng được dẫn vào khu xử lý nước thải, lưu trữ trong bể chứa lớn, sau đó được dẫn bằng ống có đường kính 250mm dài 9,2km từ nhà máy đến cầu Suối Son (còn gọi là cầu Ry), cách hồ Đá Đen khoảng 3km.

Công nhân trạm bơm vệ sinh công nghiệp tại Nhà máy Nước mặt Phú Mỹ.
Công nhân trạm bơm vệ sinh công nghiệp tại Nhà máy Nước mặt Phú Mỹ.

Dù không xả thải trực tiếp vào hồ Đá Đen, song việc nhà máy đóng trên lưu vực hồ Đá Đen là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước rất cao. Chưa kể, trong quá trình hoạt động, hệ thống dẫn nước thải của DN này có lần đã gặp sự cố vỡ ống. Nhận thấy mối nguy như “quả bom nổ chậm” nằm trên thượng nguồn Đá Đen, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần làm việc để đi đến thống nhất di dời xưởng nhuộm của MeiSheng ra khỏi khu vực nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước. Cuối cùng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 86/QĐ-XPVPHC buộc đóng cửa và di dời xưởng nhuộm về KCN ở TX. Phú Mỹ. “Quả bom nổ chậm” được gỡ bỏ an toàn.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ nguồn nước. Cụ thể, tháng 8/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2344/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”. Tiếp đó, tháng 9/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ban hành “Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh”… Gần đây nhất, tháng 1/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3636/QĐ-UBND về “Danh mục 23 dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh”.
Hành lang pháp lý trên bước đầu đã tạo ra “hàng rào” để bảo vệ nguồn nước của tỉnh. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã bị từ chối ngay từ đầu vì không đáp ứng được yêu cầu về môi trường tỉnh đề ra, đặc biệt là những yêu cầu nằm trong quy định bảo vệ nguồn nước. 
(Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT)

2 năm sau việc di dời xưởng nhuộm MeiSheng, tháng 5/2017, khu xử lý chất thải Thiên Phước (tỉnh Đồng Nai) được đưa vào hoạt động đã tạo ra những bất ổn. Khu xử lý này có diện tích 20ha tại ấp Cẩm Sơn (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), nơi đầu nguồn suối Chà Răng, chảy về suối Sông Xoài (TX. Phú Mỹ), sau đó đổ vào hồ Đá Đen. Khu xử lý chất thải Thiên Phước có 1 lò đốt chất thải nguy hại 24 tấn/ngày, 1 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt 2.000m2, hệ thống xử lý nước rỉ rác (đang vận hành thử nghiệm) và 1 khu chôn lấp chất thải rắn. Thấy nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước của địa phương, Sở TN-MT đã kiến nghị Bộ TN-MT không cấp phép cho chôn lấp chất thải rắn tại khu xử lý Thiên Phước, đề xuất chỉ cho phép xử lý chất thải rắn theo công nghệ đốt hiện đại, yêu cầu Công ty Thiên Phước (chủ đầu tư) bốc dỡ toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt đang chôn lấp tại đây để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hồ Đá Đen.

UBND tỉnh đã có nhiều cuộc khảo sát và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về khu xử lý chất thải tập trung Thiên Phước nhằm ngăn ngừa nước thải từ khu xử lý rác này đổ về hồ Đá Đen. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, rà soát dự án, không cho phép dự án hoạt động chôn lấp các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại và phải khẩn trương đầu tư lò đốt, chấm dứt việc chôn lấp… để tránh nước rỉ rác có thể rò rỉ, gây ô nhiễm thượng nguồn hồ Đá Đen.

Kiểm tra chất lượng nước thô tại Phòng Quản lý chất lượng nước BWACO.
Kiểm tra chất lượng nước thô tại Phòng Quản lý chất lượng nước BWACO.

NỀN TẢNG ĐỂ ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN NGÀNH CẤP NƯỚC

Giữ an toàn tuyệt đối về nguồn nước và với trữ lượng nước khá dồi dào, BR-VT đã có cơ hội để không ngừng cải tạo, đổi mới và mở rộng ngành cấp nước, đưa hệ thống cấp nước của địa phương lên hàng hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Trong khuôn viên Nhà máy Nước mặt Phú Mỹ rộng 4ha (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) ngập tràn một màu xanh tươi mát với cây bàng Đài Loan, cây dầu, osaka… Ngoài khối văn phòng, dọc các khu vực sản xuất của nhà máy rất ít thấy bóng dáng công nhân. Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, 2 kỹ sư trẻ Phạm Tường Huy và Nguyễn Thành Tài cho biết, toàn bộ hoạt động sản xuất của Nhà máy Nước mặt Phú Mỹ (thuộc Công ty CP cấp nước Châu Đức) đã được tự động hóa nên máy móc gần như thay thế con người, cả nhà máy chỉ có 2 người lao động làm nhiệm vụ trực ca và vệ sinh công nghiệp.

Tại Phòng Điều khiển trung tâm Công ty CP cấp nước Châu Đức có 5 màn hình led 27inch và 1 màn hình lớn 1,7mx8m để quan sát tổng thể từ nhà máy đến mạng lưới. Trên các màn hình này hiển thị quá trình sản xuất nước, dây chuyền công nghệ, mạng lưới phân phối nước, các chỉ tiêu chất lượng nước sạch, nước thô… và cả hệ thống cảnh báo tự động gửi tin nhắn đến người phụ trách khi có sự cố. Theo anh Huy, quá trình sản xuất nước sạch gồm nhiều công đoạn. Nước thô từ công trình thu đầu nguồn được dẫn về nhà máy, qua bể trộn, bể phản ứng, bể lắng, bể lọc, bể chứa, sau đó được bơm ra mạng nhờ hệ thống bơm truyền tải nước sạch. Trước đây, mỗi công đoạn đều cần công nhân làm việc trực tiếp thì hiện nay đã tự động hóa hoàn toàn, vận hành và giám sát chặt chẽ trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây.

BWACO còn là một trong những DN đi đầu trong chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. Hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng của BWACO được xây dựng đồng bộ, giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, kịp thời tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại về áp lực nước, chất lượng nước, tăng cường kết nối, tương tác giữa công ty và khách hàng.
Từ Trung tâm Chăm sóc khách hàng (Call Center) thuộc BWACO, những cuộc điện thoại của khách hàng liên tục được nhân viên tiếp nhận và xử lý nhanh chóng. Nhiều năm qua, BWACO đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Mọi thông tin, yêu cầu của khách hàng gọi đến BWACO đều được Call Center tiếp nhận. Trung bình mỗi tháng, Call Center tiếp nhận khoảng 4.000 cuộc gọi đến của khách hàng, trong đó 70% cuộc gọi được trả lời ngay nhờ các dữ liệu của khách hàng đã được lưu trữ sẵn trên hệ thống. 30% cuộc gọi còn lại chủ yếu là yêu cầu sửa chữa, lắp đặt sẽ được công ty xử lý nhanh chóng, chính xác. Nhờ ứng dụng này, việc quản lý nhân viên tốt hơn; người lao động có thể chủ động kiểm soát công việc, tiết kiệm thời gian; yêu cầu của khách hàng được đáp ứng nhanh chóng, chu đáo. 
Bà Lê Minh Đức, Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng BWACO 

Trong khi đó, Trung tâm Điều hành và Quản lý chất lượng nước đặt tại Nhà máy Nước hồ Đá Đen được xem là trung tâm đầu não kết nối các nhà máy sản xuất nước và hệ thống mạng lưới phân phối. Ông Hồ Đắc Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất nước, phụ trách tự động hóa, Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) cho biết, hệ thống tự động hóa được công ty đầu tư từ năm 2015 và trải qua quá trình hoàn thiện, nâng cao, đến nay tự động hóa đã có mặt ở tất cả các quy trình sản xuất. “Tự động hóa giúp chúng tôi bảo đảm tính chặt chẽ về chất lượng nước; bảo đảm tính an toàn, vận hành ổn định cho dây chuyền sản xuất; nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động khi làm việc ở những khâu độc hại, rủi ro cao. Đồng thời, bảo đảm ổn định áp lực mạng lưới, hạn chế các sự cố về đường ống; tiết kiệm năng lượng tiêu thụ và chi phí sản xuất nhờ vận hành tự động một cách chính xác và hiệu quả. Toàn bộ hệ thống tự động này đều do Công ty phát triển trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây”, ông Khương cho biết.

Theo BWACO, hàng ngày Công ty bố trí nhân lực kiểm tra các sông, suối đổ về các hồ chứa nhằm kiểm soát vấn đề vệ sinh, an toàn nguồn nước. Nếu phát hiện có sự việc gì bất thường trong hành lang an toàn nguồn nước, Công ty sẽ thông tin đến các cơ quan chức năng để hỗ trợ xử lý. Những năm qua, kết quả phân tích của các hồ chứa hầu như đạt tiêu chuẩn cho phép để khai thác xử lý thành nước sinh hoạt. Định kỳ 3 tháng/lần, mẫu nước sạch sau khi sản xuất sẽ được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Định kỳ 6 tháng, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - TP. Hồ Chí Minh, thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng, hóa chất khử trùng, mức nhiễm xạ. 2 năm/lần, Trung tâm này phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Kết quả, phân tích của các đơn vị chức năng khẳng định chất lượng nước đạt tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.