Lợi kép nhờ ứng dụng thiết bị bay trong sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu để giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, việc sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại huyện Long Điền bước đầu cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân.
Bà con nông dân xem trình diễn thiết bị bay phun thuốc BVTV do Hội Nông dân huyện phối hợp Công ty CP SNEWRICE thực hiện vụ Đông Xuân 2020-2021 trên cánh đồng xã An Nhứt. |
GIẢM 30% LƯỢNG THUỐC BVTV
Thiết bị bay phun thuốc trừ sâu cho cây trồng còn xa lạ với nhiều nông dân trong tỉnh, nhưng với nông dân huyện Long Điền, thiết bị này đã khá quen thuộc. Vụ lúa Đông - Xuân 2020-2021, Hội Nông dân huyện phối hợp với Công ty CP SNEWRICE (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức trình diễn phun thuốc BVTV bằng drone trên hơn 30ha lúa tại xã An Nhứt (Công ty hỗ trợ 100% công phun). Hình thức này bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực và hứa hẹn có khả năng triển khai trên diện rộng trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động nằm trong dự án triển khai ứng dụng công nghệ cao vào canh tác nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Với drone, hạt thuốc khi ra khỏi đầu phun có kích cỡ rất nhỏ, mịn, giúp nông dân giảm lượng nước thực tế cần dùng mà vẫn đảm bảo độ trải đều bề mặt và mang lại hiệu quả cao. Việc phun thuốc BVTV trên lúa bằng drone còn giúp tăng năng suất lao động từ 15-30 lần, rút ngắn thời gian phun thuốc trên 1 đơn vị diện tích; giảm 30% lượng thuốc BVTV so với phun xịt thông thường.
Tận mắt chứng kiến những thiết bị bay phun thuốc trên cánh đồng, ông Huỳnh Văn Mạnh (ấp An Lạc, xã An Nhứt) cho biết, trước đây, ông phun thuốc BVTV bằng bình đeo sau lưng. Dù được trang bị dụng cụ bảo hộ như áo mưa, găng tay, ủng chân nhưng ông không tránh khỏi việc hít phải mùi thuốc. Vụ Đông - Xuân này, ông đã đăng ký với Hội Nông dân xã phun thuốc BVTV bằng drone trên 4ha lúa của gia đình. “Với hình thức phun thuốc thủ công, mỗi ha lúa, tôi phải tốn 400 ngàn đồng tiền thuê công lao động. Vụ Đông - Xuân 2020-2021, tôi phun bằng drone, chi phí thấp hơn, chỉ 350 ngàn đồng/ha, đồng thời lượng thuốc giảm gần 30%. Do đó tôi sẽ dùng drone để phun thuốc trong các vụ lúa tới”, ông Mạnh nói.
Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ An Nhứt, phun thuốc bằng drone vừa tiết kiệm lượng nước, thuốc BVTV vừa giảm tổn thất sản lượng lúa từ 150-200kg/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị dẫm đạp như khi phun bằng bình. “Trên cánh đồng của HTX An Nhứt, nông dân liên kết sản xuất, gieo trồng đồng loạt trên diện tích hơn 200ha, nên việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh là rất hiệu quả”, ông Thành cho biết thêm.
Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tác động của thuốc trừ sâu đối với môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước, đất. |
THÀNH LẬP HTX NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Những năm qua, nông dân huyện Long Điền đã ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất; góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, việc ứng dụng thiết bị bay trong phun thuốc, bón phân… vẫn còn hạn chế do chi phí đầu tư lớn.
Theo ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền, việc phun thuốc BVTV bằng drone đã cho thấy nhiều lợi ích mang lại trên đồng ruộng tại xã An Nhứt. Do đó, ngày 15/4, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Hội Nông dân TT.Long Điền thành lập HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lá Xanh. HTX có 7 thành viên, chuyên cung cấp dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
“Do việc dùng drone trong nông nghiệp tại huyện Long Điền còn tương đối mới nên Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp với Công ty CP SNEWRICE phổ biến kỹ thuật này theo từng bước. Bước một, Công ty sẽ làm dịch vụ phun bằng drone cho nông dân. Bước hai, tiến tới tập huấn và triển khai ở các HTX. Sau đó, khi hiệu quả đã được kiểm chứng qua thời gian, các cấp Hội Nông dân sẽ triển khai đại trà trên cánh đồng các xã An Nhứt, An Ngãi và Tam Phước”, ông Sơ nói.
Việc áp dụng drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là một bước chuyển đổi quan trọng trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp. Bước đi này góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - TẤN LẬP