NGHỀ "VANG BÓNG" TRƯỚC NGUY CƠ MAI MỘT

Kỳ 2: Nỗ lực "giữ lửa" nghề truyền thống

Thứ Tư, 14/04/2021, 19:09 [GMT+7]
In bài này
.

Việc bảo tồn các ngành nghề truyền thống không chỉ là mục đích phát triển kinh tế mà còn vì nghề truyền thống là nét văn hóa cần gìn giữ và bảo tồn. Đứng trước những khó khăn và thách thức đối với nghề truyền thống hiện nay, các ngành, các cấp cần chung tay vào cuộc để “giữ lửa” cho nghề truyền thống.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, nghề làm bún Long Kiên vẫn phát triển tốt.
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ áp dụng KHKT vào sản xuất, nghề làm bún Long Kiên vẫn phát triển tốt.

NHIỀU THÁCH THỨC

6 trong số các làng nghề truyền thống của BR-VT được cấp bằng công nhận là một bước khởi đầu cho việc từng bước khôi phục, phát triển làng nghề. Thế nhưng, những lão niên “giữ lửa” cho các nghề truyền thống phát triển đến hôm nay không khỏi rầu lòng vì không chỉ thiếu người kế cận, mà sức cạnh tranh của sản phẩm cũng đang là vấn đề cần quan tâm.

Nếu so sánh làng nghề ở BR-VT với các làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng - Hà Nội, làng đá mỹ nghệ Non Nước - Đà Nẵng… thì làng nghề tại BR-VT cần phải khôi phục, quy hoạch lại từ khâu nhỏ nhất. Bởi các hộ dân trong các làng nghề nằm rải rác, tổ chức hoạt động tự phát. Thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới; năng lực, trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn còn bất cập, dẫn đến sức cạnh tranh kém của nhiều sản phẩm trên thị trường, nhất là so với các sản phẩm hàng hóa cùng loại sản xuất ở các địa phương khác. Một số sản phẩm không còn phù hợp với thị hiếu và mục đích sử dụng, chẳng hạn như nghề làm trống, nghề đúc đồng…

Điều đáng nói, do chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa nên dù chất lượng tốt, nhưng sản phẩm của các làng nghề vẫn bị “lép vế” so với các sản phẩm cùng loại. Bà Đào Thị Cúc (ấp An Bình, xã An Ngãi, huyện Long Điền) cảm thán: “Vô siêu thị, thấy hàng chồng bánh tráng mang nhãn hiệu Ba cây tre, Trảng Bàng, Làng Chài xưa… tôi cứ nghĩ hoài, bánh tráng An Ngãi quê mình cũng đâu có kém gì về chất lượng, mẫu mã sản phẩm nhưng đến nay, bánh tráng ra chợ vẫn chưa có tên riêng”.

Nỗi trăn trở của bà Cúc cũng là trăn trở của nhiều người làm nghề truyền thống và chính quyền các địa phương. Do vậy, việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm làng nghề là việc làm cấp bách. Không chỉ người làng nghề mà người tiêu dùng cũng cho rằng, thương hiệu là một trong những yếu tố quyết định khi họ lựa chọn mua sắm. Lý do chủ yếu là thương hiệu tạo cho họ sự an tâm về thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin, giảm rủi ro…

VÀO CUỘC ĐỂ GIỮ LÀNG NGHỀ

Thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh BR-VT giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Sở đã lập, trình phê duyệt và triển khai 6 dự án ưu tiên, bao gồm: Dự án đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng An Ngãi; Dự án đầu tư xây dựng mô hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc; Dự án đầu tư phát triển nghề nấu rượu xã Hòa Long; Dự án đầu tư phát triển làng bún Long Kiên; Dự án đầu tư sơ chế bảo quản rau an toàn HTX Nông nghiệp Phước Hải và Dự án đầu tư phát triển sò ốc mỹ nghệ và khắc gỗ (gậy đầu rồng).

Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Hội đồng thẩm định xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh. Sở đã hướng dẫn các địa phương rà soát, lập hồ sơ thủ tục đề nghị UBND tỉnh thẩm định, xét công nhận nghề truyền thống cho các nghề đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã thực hiện 2 dự án hỗ trợ nghề truyền thống bún Long Kiên và bánh tráng An Ngãi. Trong đó, các hộ/cơ sở sản xuất bún trên địa bàn phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ Bastaf (bể Bastaf) nhằm giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường với tổng kinh phí hỗ trợ gần 6,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hà Quảng, công chức thương mại - dịch vụ phường Phước Nguyên cho biết: Từ năm 2015, phường bắt đầu thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho nghề làm bún Long Kiên, đến năm 2020, đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải khép kín. Dự án đã góp phần hỗ trợ người dân ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất của nghề, áp dụng công nghệ mới ít chất thải, hạn chế tiếng ồn. Phường khuyến khích các cơ sở sản xuất bún đầu tư đổi mới trang thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ thủ công truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

6 nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận gồm: Bánh tráng An Ngãi, bún Long Kiên, nấu rượu Hòa Long; bánh hỏi An Nhứt; muối Long Điền; nghề truyền thống sản xuất sò ốc Mỹ nghệ TP. Vũng Tàu.


Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cho biết: Ngoài thực hiện 2 dự án trên, Sở cũng đã hỗ trợ 116 cơ sở làm bánh tráng tại xã An Ngãi đầu tư xây dựng, sửa chữa khu vực sản xuất và trang thiết bị dụng cụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời góp phần tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.

Cũng theo ông Đăng, để duy trì và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh công nhận được 6 nghề truyền thống và đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể cho việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống đã được công nhận này. Cùng với đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự án bảo tồn và phát triển thông qua hình thức hỗ trợ máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất để cho bà con phần nào giải phóng được sức lao động, nâng cao năng suất; hỗ trợ về xử lý nước thải để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường để bà con yên tâm gắn bó với nghề.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

Gắn phát triển du lịch với làng nghề truyền thống

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/TTg-QĐ ngày 22/1/2020 đã xác định: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.
Trên cơ sở định hướng đó, phát triển du lịch làng nghề đã được nhiều địa phương khai thác. Tại BR-VT, điểm du lịch tham quan nghề truyền thống như rượu Hòa Long, bánh tráng An Ngãi… đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng tuyến, điểm du lịch, tạo được nguồn thu để các làng nghề duy trì hoạt động. Đây cũng là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho người dân, vừa bảo tồn được nghề.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nhưng các làng nghề chưa phát huy hết hiệu quả do vẫn còn có nhiều điểm nghẽn. Hoạt động du lịch tại làng nghề truyền thống phần lớn đan xen với hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư nên việc tổ chức không gian, quản lý chất lượng dịch vụ khó khăn hơn. Hầu hết các làng nghề chủ yếu đáp ứng nhu cầu tham quan trong thời gian ngắn, chưa có nhiều dịch vụ trải nghiệm, năng lực phục vụ còn hạn chế, chưa chuyên nghiệp.
Thế hệ trẻ không còn mặn mà với các nghề truyền thống. Trong ảnh: Anh Khổng Tuấn là thế hệ trẻ hiếm hoi theo nghề đang dệt lưới.
Thế hệ trẻ không còn mặn mà với các nghề truyền thống. Trong ảnh: Anh Khổng Tuấn là thế hệ trẻ hiếm hoi theo nghề đang dệt lưới.
Bên cạnh đó, việc khai thác đội ngũ nghệ nhân tại các làng nghề phục vụ cho phát triển du lịch chưa hiệu quả, phần lớn người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật sản xuất theo truyền thống, thiếu kỹ năng trình diễn phục vụ khách du lịch. Vì vậy trước mắt cơ quan quản lý nhà nước cần chọn lọc một số làng nghề truyền thống có thể khôi phục bao gồm những làng nghề sản xuất các mặt hàng truyền thống mà khách du lịch có thể thưởng thức và mua về làm quà lưu niệm.
Cụ thể, nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn, để người dân có điều kiện đầu tư phát triển nghề truyền thống, quy hoạch lại không gian sản xuất của làng, mở rộng quy mô, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật; tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; xây dựng vùng nguyên liệu; hướng dẫn giải quyết vấn đề môi trường cho các làng nghề, hỗ trợ các làng nghề tiếp cận và liên kết với các công ty lữ hành để quảng bá và đưa vào các tour du lịch hướng dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu…
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có các chính sách cụ thể cho từng nghề, cũng như quan tâm hơn đến công tác tập huấn tay nghề, đào tạo nguồn nhân lực; đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất… để phát triển làng nghề truyền thống…
KIM HỒNG
;
.