Qúy I/2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thời gian nghỉ Tết dài nhất trong năm, nhưng nhờ tận dụng tốt cơ hội thị trường, triển khai kịp thời và hiệu quả các giải pháp ứng phó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tính đến hết quý 1/2021, sản lượng sản xuất phân bón của PVFCCo đạt khoảng 220 ngàn tấn và hơn 24 ngàn tấn hóa chất. Trong ảnh: Sản phẩm NPK của nhà máy Đạm Phú Mỹ. |
Tại buổi làm việc của PVN với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1/2021, ngày 2/4 vừa qua, ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV Gas cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá dầu, giá LPG biến động và tăng so với kế hoạch, cùng với việc triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, PV GAS đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tài chính đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 17.845 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch quý; lợi nhuận sau thuế đạt 2.234 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch; nộp Ngân sách Nhà nước 1.250 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch quý I.
PV GAS cũng cơ bản hoàn thành việc ký kết các hợp đồng, sửa đổi các phụ lục hợp đồng mua bán khí với khách hàng và các hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và nén khí. Hoạt động kinh doanh bán lẻ LPG cũng được đẩy mạnh, thị trường được mở rộng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Hiện nay, thị phần bán lẻ LPG của PV GAS chiếm 11% cả nước.
Trong khi đó, lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho biết: Năm 2021, DN đặt ra mục tiêu sản xuất 766 ngàn tấn Urê 150 ngàn tấn NPK… tổng doanh thu 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 156 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2021, sản lượng sản xuất phân bón của PVFCCo đạt khoảng 220 ngàn tấn và hơn 24 ngàn tấn hóa chất; sản lượng kinh doanh phân bón đạt hơn 250 ngàn tấn và đạt hơn 27 ngàn tấn hóa chất. Để đạt được kết quả này, trong những tháng đầu năm 2021, PVFCCo đã chủ động thực hiện gói giải pháp ứng phó với thách thức, tận dụng tốt cơ hội thị trường trong giai đoạn giá phân bón có chuyển biến tích cực bằng nhiều biện pháp hiệu quả. Cụ thể, PVFCCo đã tập trung nguồn lực để vận hành các Nhà máy, đảm bảo chất lượng sản phẩm; tiết giảm chi phí và tạm dừng triển khai các hạng mục chưa cần thiết để đạt lợi nhuận tối ưu; thu thập thông tin thị trường, phân tích và đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh để đưa ra các quyết định phù hợp.
Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), trong quý I/2021 cũng đạt được kết quả khả quan. Tổng sản lượng khai thác quy dầu 0,89 triệu tấn, đạt 105% kế hoạch quý. Sản lượng khai thác dầu thực tế cao hơn kế hoạch do hầu hết các mỏ trong nước khai thác ổn định với lưu lượng cao hơn dự báo. Tổng doanh thu 6.951 tỷ đồng, đạt 140% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 1.191 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước là 1.709 tỷ đồng, đạt 141% kế hoạch.
Một số đơn vị khác đến thời điểm này dù chưa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý I/2021, tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, cộng với việc ký kết được hợp đồng dịch vụ mới nên đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và đạt kết quả khả quan. Chẳng hạn như tại Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), từ đầu năm đến nay liên tục ký được hợp đồng cung cấp giàn khoan. Cuối tháng 2/2021, PVD tiếp tục cho thuê thêm giàn khoan tự nâng PV Drilling I cho Công ty Điều hành chung Cửu Long (CLJOC) trong năm 2021. Với việc ký hợp đồng cung cấp giàn PV Drilling I đã nâng số lượng giàn khoan tự nâng của PVD lên 4 giàn khoan đều có hợp đồng việc làm.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh, diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đánh giá cao sự nỗ lực hoạt động của các đơn vị khi có nhiều đơn vị có lợi nhuận và tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp cho kết quả doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn. Đồng thời đề nghị các đơn vị thành viên tiếp tục cập nhật những giải pháp đi cùng với thực hiện kế hoạch; Tập trung quản trị những yếu tố thay đổi như: giá, tỷ giá, tín dụng,… của nền kinh tế và thị trường để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của Tập đoàn; Đẩy mạnh quản trị danh mục đầu tư, các dự án đầu tư, cùng với liên kết đầu tư trong Tập đoàn để tận dụng nguồn lực các đơn vị; Tập trung vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, đảm bảo công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo các công trình, nhà máy vận hành ổn định, hiệu suất cao, tránh những sự cố kỹ thuật; Tiếp tục tập trung quản trị chi phí và giá thành; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí....
Bài, ảnh: PHAN HÀ