Bất chấp khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, trong 2 tháng đầu năm, các chuyến hàng liên tiếp được xuất đi nước ngoài theo đơn đặt hàng đã được ký kết. Đây là tín hiệu lạc quan để xuất khẩu của tỉnh lấy lại nhịp tăng trưởng trong điều kiện bình thường mới và hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch gần 5,7 tỷ USD trong năm 2021.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải chế biến cá đục xuất khẩu. |
TẤP NẬP ĐƠN HÀNG
Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2021, Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam (Alpha ECC), KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu đã xuất khẩu lô hàng là các thiết bị phục vụ ngành dầu khí trị giá gần 1 triệu USD đi Đan Mạch. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công ty tiếp tục xuất khẩu lô hàng trị giá 300 ngàn USD sang Hàn Quốc.
Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty Alpha ECC cho biết, năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và đảm bảo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 người lao động với thu nhập bình quân 10-15 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, nhận định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn nên công ty đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh như tiếp tục tìm kiếm khách hàng, đơn hàng, thị trường xuất khẩu mới. Công ty phấn đấu tăng doanh thu và thu nhập người lao động khoảng 10% so với năm 2020. Đồng thời đặt mục tiêu triển khai tiếp thị các thị trường nước ngoài, đặc biệt là những khách hàng quen. Ngoài thị trường châu Âu, công ty hy vọng tiếp cận thêm được một số thị trường mới như Mỹ, Canada, Australia.
Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) cũng đã khởi động năm mới bằng lô hàng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Canada trị giá 600 ngàn USD. Trước đó, từ cuối năm 2020, công ty đã ký được 20 hợp đồng trị giá 6 triệu USD đi các nước. Để bảo đảm tiến độ giao hàng, công ty đã bắt tay vào guồng sản xuất ngay từ những ngày đầu năm.
Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, thị trường xuất khẩu 2021 sẽ có nhiều khởi sắc với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, nên công ty đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10% so với năm 2020. Cuối năm 2020, công ty đã đàm phán với các đối tác nước ngoài và chuẩn bị 1.000 tấn nguyên liệu các loại để bảo đảm đơn hàng đến hết tháng 6/2021. “Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng liên kết với một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau… sản xuất các mặt hàng tôm. Hiện công ty cũng đã có hợp đồng dài hạn và giao hàng với mặt hàng này từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022, với giá trị gần 8 triệu USD”, ông Tường nói.
Công ty TNHH Tứ Hải (TP. Vũng Tàu) cũng đã trở lại hoạt động và bắt tay ngay vào guồng sản xuất cho kịp các đơn hàng đã ký. Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết, đầu năm công ty đã xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản lô hàng trị giá hơn 1 triệu USD. Trong đó, đơn hàng đi Nhật Bản đã được ký dài hạn, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
TẬN DỤNG CÁC FTA
Có được kết quả xuất khẩu tích cực như trên, theo các DN là một phần nhờ sự tác động của các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu. Việc tận dụng các ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội cho DN đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thành viên.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu dự báo năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu phục hồi. Minh chứng là công ty đã có đơn hàng đến tháng 6/2021 với 100% công suất. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu khởi sắc là các hiệp định FTA, trong đó mới nhất là hiệp định RCEP giữa 10 nước ASEAN và một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Newzeland vừa được ký kết và dự kiến có hiệu lực vào giữa năm 2021.
“Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN may mặc của Việt Nam cũng như BR-VT. Thị trường của hiệp định RCEP tiềm năng với sức tiêu thụ hàng hóa lớn, đồng thời hiệp định này còn góp phần tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, công ty đã chủ động nhập nguyên liệu, duy trì lực lượng lao động lành nghề, có kỹ năng tốt, tích cực chuyển đổi số để nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ (chứng từ) và bắt tay vào sản xuất”, ông Quý nói.
Bên cạnh nỗ lực của DN, Chính phủ, các bộ, ban ngành và tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án hỗ trợ DN thực hiện Hiệp định CPTPP và các FTA khác. Đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến của dịch COVID-19, rà soát, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc của các DN trên địa bàn tỉnh, đề xuất UBND tỉnh hoặc kiến nghị bộ, ngành Trung ương biện pháp tháo gỡ; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển xuất khẩu hàng hóa đến năm 2025; phối hợp, triển khai các biện pháp tăng cường thu hút đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo chân hàng cho xuất khẩu; khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh…
Sở cũng sẽ phối hợp với các cục của Bộ Công thương, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Sở KH-CN hỗ trợ, cung cấp thông tin và hướng dẫn các DN của tỉnh nâng cao kiến thức về xuất xứ hàng hóa, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, nhằm ứng phó hiệu quả và bảo vệ lợi ích của DN để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Công nhân Công ty Alpha ECC trong giờ sản xuất. |
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU