Trước đây, việc thu giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được tỉnh giao cho Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải (Sở Xây dựng) ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức. Từ năm 2021, theo quyết định của UBND tỉnh, nhiệm vụ này đã được chuyển về các đơn vị cấp huyện thực hiện.
Phí xử lý CTRSH sau khi thu được từ các DN, địa phương sẽ nộp về Kho bạc nhà nước để trả cho đơn vị xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Kbec Vina. Trong ảnh: Xử lý CTRSH tại Công ty TNHH Kbec Vina. |
VÌ SAO PHẢI CHUYỂN GIAO VỀ ĐỊA PHƯƠNG?
Theo Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh, từ năm 2012 đến nay, việc thu giá dịch vụ xử lý CTRSH được UBND tỉnh giao cho Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh ký hợp đồng trực tiếp với các DN, đơn vị, cơ sở có nguồn thải CTRSH (sau đây gọi chung là DN). Quá trình thu gồm 3 công đoạn. Trong đó, 2 công đoạn đầu do các đơn vị chức năng cấp huyện thực hiện gồm: thống kê các DN xả thải trên địa bàn và xác định khối lượng xả thải của các DN. Sau khi nhận được bản tổng hợp, Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh mới tiến hành ký hợp đồng với chủ nguồn thải để thu tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Do đó, Trung tâm không nắm được số lượng DN thành lập mới và lượng rác từ các DN thay đổi theo thời gian như thế nào nên dễ bị bỏ sót DN xả thải và khối lượng chất thải.
Nhận thấy quy trình này còn nhiều bất cập, năm 2020, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chuyển giao nhiệm vụ thu giá dịch vụ xử lý CTRSH về cho các địa phương. Theo đó, từ tháng 1/2021, chủ nguồn thải ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị chức năng địa phương được giao. Việc chuyển giao nhiệm vụ này còn nhằm tiến tới năm 2030 ngân sách Nhà nước không phải bù lỗ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, tránh tình trạng bỏ sót DN làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định 1573/QĐ-UBND (tháng 6/2020), Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị, thành phố về việc triển khai thực hiện quy định về thu giá dịch vụ xử lý CTRSH. Quy trình là, UBND cấp huyện thống kê, tổng hợp danh sách các tổ chức kinh tế có kèm theo khối lượng CTRSH. Việc xác định khối lượng CTRSH chủ yếu do các tổ chức kinh tế tự kê khai và chịu trách nhiệm. Công tác thống kê, tổng hợp được thực hiện tối thiểu mỗi năm/lần vào quý IV của năm.
Việc chuyển giao nhiệm vụ thu giá dịch vụ xử lý CTRSH được giao về cho các địa phương nhằm quản lý chặt hơn các DN xả thải, tránh thất thu. Trong ảnh: Thu gom CTRSH của một cơ sở kinh doanh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Vũng Tàu). |
ĐỊA PHƯƠNG VẪN CÒN LÚNG TÚNG
Căn cứ danh sách các tổ chức kinh tế, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thu giá dịch vụ xử lý CTRSH liên hệ và thông báo đến các tổ chức kinh tế về việc ký hợp đồng thu giá dịch vụ xử lý CTRSH. Sau khi hợp đồng được ký, cơ quan, đơn vị được giao thu giá dịch vụ xử lý CTRSH sẽ xuất hóa đơn. Các tổ chức kinh tế nộp tiền vào tài khoản của cơ quan, đơn vị được giao thu giá dịch vụ xử lý CTRSH tại Kho bạc Nhà nước để hoàn tất quá trình thu giá dịch vụ xử lý CTRSH.
Quy trình là vậy, nhưng sau hơn 2 tháng triển khai việc chuyển giao nhiệm vụ thu giá dịch vụ xử lý CTRSH, các địa phương vẫn còn khá lúng túng. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng TN-MT TP. Vũng Tàu cho biết, Phòng TN-MT đã có văn bản gửi các phường, xã rà soát lại danh sách các DN thuộc diện đối tượng thu giá dịch vụ xử lý CTRSH. Sau đó, Phòng sẽ thống kê lại và làm việc với các DN để ký hợp đồng. “Nhiệm vụ này mất nhiều thời gian, trong khi nhân lực của Phòng mỏng, chưa quen với công việc mới được chuyển giao. Hiện nay, Phòng TN-MT vẫn chưa mở được tài khoản để nhận tiền nộp giá dịch vụ của các DN, ra thuế để đăng ký xuất hóa đơn cho DN”, ông Huy cho biết.
Báo cáo của Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh cho thấy, năm 2020, trung tâm ký hợp đồng với 274 DN để thu giá dịch vụ xử lý CTRSH với đơn giá theo quy định là 374.269 đồng/tấn. Trong đó, TX. Phú Mỹ là địa phương có nhiều DN phải thu giá nhất với 111 DN. Tổng số tiền thu được theo hóa đơn là hơn 3,7 tỷ đồng, trong đó Trung tâm đã nộp kho bạc hơn 3,5 tỷ đồng; số tiền còn lại các DN chưa đóng. |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Xuyên Mộc cho biết, việc thu giá dịch vụ xử lý CTRSH được UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế-Hạ tầng thực hiện. Theo thống kê năm 2020, toàn huyện có 14 DN với tổng số lượng CTRSH của các tổ chức này bình quân 2.090kg/ngày. Từ đầu tháng 1/2021, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Xuyên Mộc đã soạn văn bản gửi các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, kê khai. Qua thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, toàn huyện có gần 20 DN nằm trong diện đối tượng thu, trong đó chủ yếu là các DN du lịch. “Khối lượng CTRSH phát sinh chủ yếu do DN tự kê khai nên địa phương cũng không thể giám sát hết, trừ trường hợp bất thường mới tổ chức kiểm tra”, bà Hoa nói.
Theo chủ một DN trên địa bàn TX. Phú Mỹ, việc thu giá dịch vụ xử lý CTRSH chưa quy định rõ đối tượng thu. Công văn của Sở Xây dựng nêu: “Phạm vi và đối tượng áp dụng thu giá là các tổ chức kinh tế bao gồm DN được thành lập hoạt động theo Luật DN, HTX, liên hiệp HTX được thành lập theo luật HTX, các tổ chức kinh tế thành lập theo luật đầu tư có phát sinh CTRSH từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”. Theo công văn này, trên địa bàn tỉnh phải có nhiều hơn con số 274 DN (số liệu năm 2020) phải ký hợp đồng thu giá dịch vụ xử lý CTRSH. “Theo tôi nên quy định rõ khối lượng phát sinh hàng ngày của DN từ bao nhiêu kg/tháng thì phải thu. Ngoài ra, việc để DN tự kê khai khối lượng chất thải phát sinh cũng rất khó bảo đảm khách quan, dễ đánh đồng DN xả thải nhiều và DN xả thải ít nếu họ khai không trung thực”, chủ DN này phân tích.
Bài, ảnh: QUANG VŨ