Mùa đại hội cổ đông đầu năm 2021 có hàng loạt tín hiệu lạc quan khi nhiều DN có mức chia cổ tức lớn. Vậy nhưng nhà đầu tư vẫn rụt rè, đặt lệnh không chắc tay. Quy trình lên xuống dập dờn theo hình Sin của các chỉ số chứng khoán với mức “chết” VN-Index 1.200 không thể vượt qua cho thấy sự không an tâm trong mỗi nhà đầu tư.
Các chỉ số chứng khoán trong tuần qua còn đang rung lắc trong tâm lý yếu của nhà đầu tư. |
MỨC CHIA CỔ TỨC LỚN
Lịch sự kiện thị trường chứng khoán tháng 3 tràn ngập thông báo về đại hội cổ đông 2021 của các DN, kéo theo đó là cuộc so tài cao thấp của việc chia cổ tức và những định hướng lạc quan cho năm 2021. Mặc cho năm 2020 được đánh giá bị ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh COVID-19, nhưng mức chia cổ tức cao vẫn liên tiếp xuất hiện.
Ngành ngân hàng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư với kết quả kinh doanh tốt năm 2020 mặc dù cổ tức chỉ được chia bằng cổ phiếu. Trong đó, HDBank là ngân hàng thường có mức chia cổ tức rất cao. Các nhà đầu tư trông đợi ở HDBank vì năm 2020, ngân hàng này chia cổ phiếu thưởng lên đến 65%. Năm 2020, HDBank đạt 5.818 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 15,9%, nợ xấu chỉ 0,93%. VIB - Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, cũng dự kiến đại hội cổ đông và trình phương án tăng vốn vào ngày 24/3 tới nhằm chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.
Nhiều DN khác cũng công bố mức chia cổ tức lớn. Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài có mức chia cổ tức bằng tiền mặt lên đến 60%, gồm 2 đợt, đợt 1 đã chia 30% vào tháng 10/2020 và đợt này tiếp tục chia thêm 30%. Tuy nhiên, mức này vẫn chưa bằng Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 - DP3. Công ty này vừa thông qua việc chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 và dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền với mức 80%.
Danh sách DN chia cổ tức ở mức khá cao còn có tên Công ty CP Thực phẩm Cholimex - CMF với mức 50% bằng tiền mặt, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây - WSB chia cổ tức 30%, Công ty CP Thủy điện - Điện lực 3 - DRL với mức chia 40,8%…
TÂM LÝ CHƯA CÂN BẰNG
Thời điểm chia cổ tức hàng năm thường là giai đoạn sôi động nhất của các nhà đầu tư khi thoải mái chọn lựa trong giỏ hàng không giới hạn. Thế nhưng, trong mùa cổ tức năm nay, thị trường vẫn rung lắc chập chờn, tác động do chính niềm tin của các nhà đầu tư chưa bền vững. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã 3 lần chỉ số VN-Index chuẩn bị chạm mốc 1.200 điểm nhưng không những không vượt được qua mốc này mà còn bị kéo xuống, có lúc về sát 1.000 điểm. Các phiên tăng giá, giảm giá xen kẽ, có phiên đầu ngày tăng, cuối ngày giảm hoặc ngược lại… cho thấy sự không ổn định trong quyết định của nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán năm 2020 bứt phá không ngờ với biến động mạnh. Chỉ số VN-Index từ 950 điểm thời điểm đầu năm, giảm xuống 650 điểm vào thời điểm tháng 4 và tăng lên gần chạm mốc 1.200 điểm giai đoạn cuối năm. Hiện nay, đa phần các cổ phiếu đã trở lại mức giá hồi đầu năm 2020. Đó là tín hiệu lạc quan với nhà đầu tư, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đã khống chế tốt dịch bệnh COVID-19. Cộng thêm các DN chia cổ tức không thấp hơn nhiều so với năm 2019, các nhà đầu tư có quyền yên tâm với dòng tiền của mình. Khi nguồn vốn trong ngân hàng ứ đọng, kênh sản xuất kinh doanh khá cầm chừng, thì đổ tiền vào chứng khoán và đất đai là giải pháp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Tín hiệu bất an đến với các nhà đầu tư ngoài tâm lý số đông thì sự e ngại bẫy tăng giá là yếu tố chính. Thời điểm cuối năm 2020, hàng loạt nhà đầu tư mở tài khoản và giao dịch, đặc biệt trong quý IV. Đa phần các chủ tài khoản này là nhà đầu tư có nguồn vốn hạn hẹp nên tâm lý lo lắng khi thị trường biến động càng lớn.
Cũng trong giai đoạn này, một số DN, lãnh đạo DN và người liên quan thông báo bán cổ phiếu ra thị trường. Đây là hoạt động ngược hẳn với giai đoạn đầu năm 2020, khi thị trường bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch COVID-19, các DN tích cực mua vào cổ phiếu để ổn định thị trường. Một vấn đề nữa là nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng thời gian vừa qua. Việc số lượng cổ phiếu tham gia trên thị trường tăng lên trong giai đoạn này cũng khiến nhà đầu tư lo ngại khi đầu tư vào thị trường.
Bước vào giữa tháng 3, khi các DN tổ chức đại hội cổ đông thành công và thông báo chiến lược phát triển mới khả quan trong giai đoạn phục hồi sau thời gian chịu tác động của dịch COVID-19, nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn vào thị trường. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/3, VN-Index đạt 1.181,56 điểm, giảm nhẹ 0,01% so với phiên ngày 11/3, HN-Index đạt 237,91 điểm, tăng nhẹ 0,14% so với ngày 11/2, đạt mức độ hài lòng cho tuần giao dịch giữa tháng 3.
Y.P