Tăng thu nhập nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chủ Nhật, 14/03/2021, 16:20 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, nông dân huyện Châu Đức đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, trên cùng một diện tích, thu nhập của nông dân tăng lên 2-3 lần.

Ông Hồ Quang Kỷ (trái) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng cây nha đam.
Ông Hồ Quang Kỷ (trái) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng tiêu kém hiệu quả sang trồng cây nha đam.

TĂNG THU NHẬP 2-3 LẦN

Gắn bó với cây hồ tiêu hơn 10 năm, nhưng khi giá tiêu xuống thấp, nhiều diện tích già cỗi, kém hiệu quả, tháng 7/2020, ông Hồ Quang Kỷ (ấp Gia Hòa Yên, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 đất trồng tiêu để trồng cây nha đam. Ông Kỷ được nhà nước hỗ trợ 50% giống (khoảng 40 triệu đồng), phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác của loại cây trồng mới.

Sau gần 10 tháng, vườn nha đam của ông Kỷ đã cho thu hoạch, ước sản lượng khoảng 12 tấn/tháng. Với giá bán 1.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Kỷ ước tính thu về gần 120 triệu đồng/năm, cao gấp 3 lần so với trồng tiêu. Sản phẩm nha đam thu hoạch đến đâu được các DN thu mua đến đó. “Mô hình trồng nha đam không tốn nhiều công chăm sóc, nhàn hơn so với cây tiêu, phù hợp với những người lớn tuổi như vợ chồng tôi”, ông Kỷ nói thêm. 

Cây nha đam đã được đưa về trồng tại huyện Châu Đức từ năm 2018. Sau 3 năm bén rễ, cây nha đam cho năng suất bình quân 4-6 tấn/sào, mang lại thu nhập từ 100-200 triệu đồng/ha cho nông dân. Từ 6 sào ban đầu, dự kiến đến cuối năm 2021, diện tích trồng nha đam trên địa bàn huyện tăng lên khoảng 50ha.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng, ấp Liên Đức, xã Xà Bang nhiều năm gắn bó với cây tiêu. Năm 2015 khi tiêu bị chết hàng loạt do nhiễm bệnh, ông đã chuyển hết 1,5ha sang trồng bơ. Sau gần 6 năm, vườn bơ đã cho thu hoạch với năng suất 10 tấn/vụ, lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng tiêu.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, trước đây, hồ tiêu là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho nông dân. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, hồ tiêu liên tục rớt giá, hiệu quả kinh tế từ cây trồng này không cao. Do đó, các hộ dân đã từng bước chuyển đổi sang cây trồng khác. Hiện nay, địa phương còn khoảng 5.906ha trồng tiêu, giảm hơn 1.500ha so với năm 2019.

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT BỀN VỮNG 

Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Châu Đức đã xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng, khuyến khích nông dân có vườn tiêu kém hiệu quả mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích hồ tiêu, cao su, cà phê sang trồng cây khác. Cụ thể, đã có 1.515ha hồ tiêu được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cacao, nha đam, mít, sầu riêng, đu đủ… Ngoài ra, với diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nông dân cũng chuyển đổi sang trồng cây rau màu khác như: đậu xanh, đậu phộng, mè, rau. Đây là nhóm cây trồng hàng năm có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và giá bán tương đối ổn định, đồng thời tránh thiệt hại do thiếu nước vào cuối vụ. Đến nay, địa phương đã chuyển đổi 44ha lúa sang các loại cây trồng khác. 

Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp với vùng đất kém hiệu quả là biện pháp hữu hiệu giúp nông dân làm giàu bền vững trên quê hương mình. Huyện đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất tập trung với quy mô sản xuất lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia HTX, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiếp cận nguồn vốn vay. Ngành nông nghiệp huyện cũng xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho từng loại cây trồng chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. 

Ngoài ra, huyện đã triển khai nhiều chính sách như Nghị quyết 03, 05 và Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cây, con giống, đồng thời ưu đãi giảm lãi suất cho người dân. Hội Nông dân các cấp cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả như nuôi bò thịt, dê, gà ta thả vườn... Bên cạnh đó, địa phương cũng chủ động tìm kiếm các DN để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững. Đến nay, địa phương đã liên kết với các đơn vị thu mua, tiêu thụ các sản phẩm như nha đam, cacao, bắp lấy thân, liên kết với công ty 4k Farm trồng rau công nghệ cao... giúp bảo đảm đầu ra cho nông sản, từ đó nông dân yên tâm sản xuất.

Bài ảnh: PHÚC HIẾU - NGUYỄN HẠNH

;
.