Nông dân sản xuất nông sản sạch, doanh nghiệp thu mua với giá cao, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, đó là một chuỗi liên kết và cũng là hướng đi bền vững cho nông sản. Nhưng đó là cả một câu chuyện khó khăn. Nếu không bền chí, khó có thể theo đuổi.
NHỮNG KẾT QUẢ NGỌT NGÀO
Tháng 12/2020, 2 tấn hàng chocolate Organic đầu tiên của Công ty TNHH TM – DV - SX ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) xuất sang Nhật Bản và được đối tác Nhật đánh giá cao về chất lượng của sản phẩm. Đây là những sản phẩm được chế biến từ những quả ca cao trồng theo phương pháp hữu cơ của nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức.
Ông Trương Ngọc Lân, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức sử dụng bẫy thủ công cho vườn ca cao hữu cơ của mình để phòng chống bọ xít và côn trùng. |
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-SX ca cao Thành Đạt thông tin, công ty đã xây dựng được khoảng 5ha diện tích nguồn nguyên liệu ca cao sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ ca cao của nông dân với giá 100 ngàn đồng/kg hạt khô và 8.000 đồng/kg trái tươi. “Nhu cầu từ phía đối tác Nhật Bản hiện nay khoảng 500 tấn/năm, tuy nhiên sản lượng mà chúng tôi cung cấp mới chỉ 15 tấn/năm. Do đó, đơn vị đang khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm mang lại lợi ích cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng ”, ông Thành cho hay.
Ngoài ca cao, hồ tiêu cũng là sản phẩm nông nghiệp được liên kết với DN để hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao. Dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững” trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc, với tổng diện tích gần 1.300ha do Sở NN-PTNT phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các DN như Công ty Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam, Công ty Harris Freeman triển khai từ năm 2013 đến nay đã gặt hái được thành công đáng kể. Với việc sản xuất theo phương pháp canh tác hữu cơ, nông dân đã thay đổi cách sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học độc hại để chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ (phân bò, phân dê…).
Ông Nguyễn Đình Mân (ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho biết, khi chuyển đổi sang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ông được tập huấn kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, áp dụng bộ quy tắc quốc tế về quy trình sản xuất hồ tiêu an toàn và kỹ thuật thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong quá trình trồng tiêu, đồng thời được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc hữu cơ như tự ủ phân bò, đốt tro củi làm phân bón đất, trồng đậu phộng trong vườn giữ ẩm cho đất và hạn chế cỏ mọc. Nhờ đó, vườn hồ tiêu của ông phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất ổn định. Sau gần 5 năm chuyển đổi, hiện 1,5ha hồ tiêu của gia đình ông cho năng suất 15 tấn, cao hơn 1-2 tấn so với trước. “Tham gia dự án, chúng tôi được DN bao tiêu đầu ra và còn được công ty thưởng thêm từ 1.000-2.500 đồng/kg. Thu nhập tăng lên là động lực để chúng tôi phát triển sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn sinh học”, ông Mân nói thêm.
NHƯNG KHÔNG DỄ THEO ĐUỔI
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, mặc dù trên địa bàn đã manh nha một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng diện tích chưa nhiều, với khoảng hơn 120ha. Trở ngại đầu tiên khi xây dựng nông nghiệp hữu cơ là thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp của nông dân. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong quá trình canh tác, các khâu như nước, giống, vật tư nông nghiệp sử dụng phải được tổ chức uy tín công nhận.
Năm 2020, ngành nông nghiệp đã triển khai 4 mô hình nông nghiệp hữu cơ thí điểm tại các hộ dân trên 4 loại cây trồng, với 1,6ha. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng đã có 6ha ca cao đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa cần nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí đào tạo nông dân và các thủ tục chuyển đổi, tiếp cận thị trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu an toàn, hướng tới sản xuất công nghệ cao. Để làm được điều này, ngành đang nỗ lực triển khai các chính sách thu hút DN và nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và bảo quản nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó tiếp tục hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng bền vững, liên kết sản xuất tập trung có chứng nhận. Ngoài ra, vận động các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ tạo liên kết với nhau, thành mô hình hợp tác xã có phương thức liên kết để bảo đảm thị trường tiêu thụ.
Công ty TNHH TM-DV-SX ca cao Thành Đạt sản xuất socola từ sản phẩm ca cao hữu cơ. |
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU