3 năm trở lại đây, ngành khai thác thủy sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ngư trường cạn kiệt, thiếu hụt lao động nghề biển và giá thủy sản bấp bênh. Hầu hết các ghe thuyền đánh bắt xa bờ không đủ trang trải chi phí sau mỗi chuyến ra khơi.
Thiếu hụt lao động, ngư trường khan hiếm khiến không ít ngư dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong mỗi chuyến ra khơi. Trong ảnh: Ghe tàu tại Cảng cá Lộc An chuẩn bị nguyên liệu để ra khơi. |
THIẾU LAO ĐỘNG
Những năm trước, sau 15 tháng Giêng âm lịch, ông Thái Đỗ Bình (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), cùng các ngư dân lại sẽ bắt đầu ra khơi chuyến đầu năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 2 con tàu công suất 1.300CV và 1 tàu gỗ với công suất 700CV vẫn nằm bờ. Theo ông Bình, trung bình mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 20 ngày. Để có thể đi biển, ít nhất tàu của ông Bình phải có 10-12 lao động. “Nhưng từ sau Tết đến nay, mới chỉ thuê được 2 người, do đó tàu vẫn phải nằm bờ, chưa thể ra khơi”, ông Bình lắc đầu.
Tương tự, tại cảng cá Lộc An, những ngày sau Tết Nguyên đán, hàng chục tàu đánh bắt xa bờ vẫn phải nằm bờ vì thiếu lao động. Ngư dân Đồng Thanh Điền (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, các chủ tàu gặp không ít khó khăn vì thiếu bạn ghe. Lý giải nguyên nhân, ông Điền chia sẻ, tiền công lao động đi biển được trả theo chuyến. Nếu chuyến nào đánh bắt nhiều, tiền công cho bạn ghe sẽ cao. Cá tôm đánh bắt được ít thì tiền công cũng ít. Vài năm trở lại đây, sản lượng tôm cá thấp, trong khi giá bán hải sản cũng không cao. Thu nhập thất thường, không ổn định, công việc lại vất vả nên nhiều lao động không “mặn mà” với nghề đi biển. “Những bạn ghe lâu năm thì đã lớn tuổi, không đủ sức khỏe để bám trụ với nghề. Thanh niên trai trẻ giờ đây mấy ai đi biển, thành ra thiếu hụt lao động năm này qua năm khác”, ông Điền cho biết.
Dù đang mùa đánh bắt, song nhiều tàu tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) vẫn phải nằm bờ do thiếu lao động đi biển. |
NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐANG CẠN KIỆT DẦN
Xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) hiện có hơn 2.000 ngư dân với 519 tàu thuyền, tổng công suất trên 113.000CV. Những năm trước, sau Tết Nguyên đán là cao điểm của mùa đánh bắt hải sản xa bờ. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá cả thủy sản bấp bênh nên việc đánh bắt hải sản của ngư dân xã Bình Châu gặp nhiều khó khăn. Mỗi chuyển biển ra khơi đều không đủ bù các chi phí, thậm chí thua lỗ nặng nên nhiều tàu cá tại xã Bình Châu phải nằm bờ, ngừng hoạt động. Con số tàu nằm bờ chiếm khoảng 20% trên tổng số tàu thuyền của xã.
Ông Võ Văn Thạch, ấp Bình Hòa (xã Bình Châu) cho biết, tính riêng trong năm 2020, tàu của ông chỉ ra khơi được 5 chuyến, lỗ khoảng 200 triệu đồng. “Nếu như trước đây, mỗi chuyến ra khơi, tàu của tôi thu vài ba tấn hải sản là chuyện thường thì nay chỉ được trên 1 tấn là cao. Nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, chi phí nước đá, gas, lương thực, thực phẩm… tăng khoảng 15-20% mỗi chuyến song sản lượng đánh bắt lại giảm, giá hải sản thấp nên làm ăn ít hiệu quả khiến ngư dân chúng tôi gặp không ít khó khăn”, ông Thạch cho hay.
Do nhiều tàu cá nằm bờ sản lượng khai thác thủy sản của xã Bình Châu cũng giảm đáng kể. Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản của xã Bình Châu chỉ đạt hơn 2.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Để tiếp sức cho ngư dân bám biển, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã triển khai kịp thời các chính sách phát triển thủy sản. Trong đó, thực hiện quyết định số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 400 tàu cá với tổng số tiền hơn 60 tỷ đồng. Sở NN-PTNT cũng đang đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục hồ sơ các tàu cá khai thác xa bờ trong 3 tháng đầu năm 2021, đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 2.910 tàu cá khai thác xa bờ. Năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu giữ ổn định sản lượng khai thác khoảng 350.000 tấn, trong đó, sản lượng hải sản từ đánh bắt xa bờ, có giá trị cao, làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trên 70% và giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp. Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong thời gian tới, ngành thủy sản tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành đánh bắt hải sản, giảm dần số lượng nhưng tăng dần chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ; sắp xếp, cơ cấu lại việc khai thác, chế biến hải sản theo hướng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chế biến tinh, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục củng cố, nâng cấp các cảng cá, đáp ứng công tác thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, thẩm định, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của nguyên liệu theo quy định của châu Âu; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân theo quy định của Chính phủ; vận động ngư dân chuyển đổi nghề lưới kéo, khai thác thủy sản ven bờ và phát triển các vùng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao...
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU