Lực đẩy giúp nhóm cổ phiếu dầu khí tăng giá

Thứ Ba, 09/03/2021, 17:30 [GMT+7]
In bài này
.

Giá dầu tăng, cộng với việc một số DN dầu khí ký được hợp đồng dịch vụ mới đã tạo đà cho nhóm cổ phiếu (CP) dầu khí liên tục giữ đà tăng giá trong mấy phiên giao dịch gần đây. Theo dự báo của các chuyên gia chứng khoán,  giá dầu phục hồi và duy trì ở mức 60-70 USD/thùng trong năm 2021 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm CP dầu khí bứt phá trong thời gian tới.  

Cổ phiếu PV Gas đã có nhiều phiên tăng giá gần đây.  Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân PV Gas trong giờ sản xuất.
Cổ phiếu PV Gas đã có nhiều phiên tăng giá gần đây. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân PV Gas trong giờ sản xuất.

Từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của nhóm CP dầu khí. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 8/3, bất chấp đà giảm chung của thị trường chứng khoán, nhóm CP dầu khí tiếp tục tăng điểm mạnh. Trong đó, CP của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đứng trong top 10 CP có khối lượng giao dịch nhiều nhất trong ngày trên sàn HoSE khi khớp lệnh 13,6 triệu đơn vị. Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, PVD tiếp tục tăng 1,78%.

Trước đó, PVD đã có nhiều phiên tăng giá mạnh. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày đầu tháng 3, CP PVD tăng lên đến 51%, ở mức 24.400 đồng/CP. Đây là mức tăng cao nhất so với thời điểm đầu năm và cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 1/2018 tới nay. 

Các chuyên gia chứng khoán nhận định, sở dĩ CP PVD tăng trong những phiên gần đây là do Công ty liên tục ký được hợp đồng mới. Cụ thể, cuối tháng 2/2021, PVD tiếp tục cho thuê thêm giàn khoan tự nâng PV Drilling I cho Công ty Điều hành chung Cửu Long (CLJOC) trong năm 2021. Việc ký hợp đồng cung cấp giàn PV Drilling I đã nâng số lượng giàn khoan tự nâng của PVD có hợp đồng việc làm lên 4. Dự kiến toàn bộ 4 giàn khoan này sẽ phục vụ thị trường trong nước kể từ quý II/2021. Giàn khoan PV Drilling I sẽ thực hiện chương trình khoan của CLJOC gồm hai giếng chắc chắn và một số giếng tùy chọn tại Lô 15-1, ngoài khơi vùng biển Việt Nam, dự kiến bắt đầu cuối tháng 3/2021. 

Tương tự, mấy phiên gần đây, CP GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) cũng liên tục tăng giá. Chốt phiên giao dịch 8/3, GAS tăng 2,7% lên 95.000 đồng/CP. Hiện tại, PV Gas đang giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam khi cung cấp khí để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước. Kết thúc năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng PV Gas vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hơn 66 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 10.400 tỷ đồng. 

Giá cổ phiếu của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) tiếp tục tăng 1,78% trong ngày 8/3. Trong ảnh: Người lao động PVD họp an toàn trước khi tiến hành công việc trên giàn khoan.
Giá cổ phiếu của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) tiếp tục tăng 1,78% trong ngày 8/3. Trong ảnh: Người lao động PVD họp an toàn trước khi tiến hành công việc trên giàn khoan.

Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV Gas cho biết: Năm 2021, DN xây dựng đề án tổng thể phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG trên toàn quốc bảo đảm hiệu quả và tối ưu. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển 3 khu vực đầu mối, trung tâm LNG cả nước là BR-VT/Thị Vải, Bình Thuận/Sơn Mỹ, miền Bắc/Hải Phòng bên cạnh các kho vệ tinh, trung chuyển và hệ thống phân phối theo đề án phát triển tổng thể. Ngoài ra, PV Gas cũng đẩy mạnh phát triển thị trường khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa hộ tiêu thụ để đảm bảo cho phát triển bền vững; chủ động xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực khí; tập trung công tác xây dựng, xin chấp thuận của cấp có thẩm quyền các chính sách, cơ chế liên quan lĩnh vực khí (chính sách giá khí, cước phí...).

Ngoài ra, trong phiên giao dịch 8/3, sắc xanh lan tỏa khắp nhóm dầu khí. CP của PVC (Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí) tăng trần 9,6% lên 11.400 đồng/CP; PET (Tổng Công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí) tăng trần 6,84% lên 21.100 đồng/CP; OIL (Tổng Công ty Dầu Việt Nam) tăng 5,37% lên 15.700 đồng/CP; PVS (Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam) tăng 1,2%; PVT (Tổng Công ty CP Vận tải dầu khí) tăng 1,35%...

2 tháng đầu năm nay, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và thời gian nghỉ Tết dài nhất trong năm nhưng hoạt động kinh doanh của nhiều DN dầu khí có chuyển biến tích cực. Doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 94,5 ngàn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch 2 tháng; nộp ngân sách 11,44 ngàn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia chứng khoán, cùng với đà tích cực chung của thị trường, giao dịch của nhóm CP dầu khí có nhiều khởi sắc còn do tác động tích cực của giá dầu. Trong cuộc họp mới đây, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận duy trì sản lượng dầu thô hiện tại và không gia tăng sản lượng trong tháng 4. Ngoài ra, Ả-rập Saudi, chiếm khoảng 8%-10% nguồn cung dầu thô toàn cầu, đã công bố tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, tương ứng 1% tổng nhu cầu dầu thô toàn cầu trong tháng 4. Quyết định này đã thúc đẩy giá dầu liên tiếp tăng mạnh trong thời gian qua. Trong phiên giao dịch sáng 8/3, lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu Brent Biển Bắc vượt mốc 70 USD/thùng.

Giá dầu tăng mạnh thời gian qua và dự báo có mức phục hồi tích cực ở vùng giá 60-70 USD/thùng trong năm 2021 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm CP dầu khí bứt phá trong thời gian tới.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

;
.