Khu xử lý chất thải tập trung của tỉnh được quy hoạch tại xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) nhằm mục đích quản lý tốt về môi trường, xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, sau hơn 10 năm, hoạt động của khu xử lý chất thải tập trung (XLCTTT) vẫn nhiều bất cập từ công tác quy hoạch đến quản lý.
Rác thải sinh hoạt được đưa về xử lý tại Công ty TNHH Kbec Vina trong Khu XLCTTT Tóc Tiên. |
QUY HOẠCH VỪA THỪA VỪA THIẾU
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Khu XLCTTT Tóc Tiên được quy hoạch năm 2006 và đi vào hoạt động từ năm 2010 với diện tích 100ha. Năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án này trên diện tích 137,6ha, trong đó 100ha hiện hữu và mở rộng thêm 37,6ha, có chức năng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại… trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, Khu XLCTT Tóc Tiên vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, quy hoạch khu này đã cho thấy chồng chéo và thiếu nhiều chức năng cần thiết.
Theo Phòng Phát triển đô thị và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), trước đây, khi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, Công ty Môi trường tỉnh (thuộc Sở Xây dựng) chỉ lập quy hoạch tổng thể mặt bằng mà không có quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, khi đi vào hoạt động, Khu XLCTT Tóc Tiên đã gặp nhiều khó khăn trong việc xem xét tiếp nhận các dự án đầu tư một cách khoa học và triển khai đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, việc xác định nguồn thải (khối lượng, thành phần chất thải…) khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng chưa được xem xét kỹ, dẫn đến mất cân đối giữa tổng công suất và nhu cầu XLCT của tỉnh.
Do không có quy hoạch chuẩn ngay từ đầu nên nhiều nhà máy trong Khu XLCTTT Tóc Tiên không đủ nguyên liệu để hoạt động hết công suất. Trong ảnh: Xử lý chất thải nguy hại tại Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại Hà Lộc. |
Trong đó, công suất hoạt động của nhiều dự án thấp hơn nhiều lần so với công suất thiết kế do không đủ nguyên liệu để xử lý. Cụ thể, thống kê trong năm 2020 cho thấy, Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp, dầu khí và chất thải nguy hại của Công ty CP Môi trường sạch Việt Nam chỉ đạt 25,76% công suất thiết kế; Nhà máy Chế biến năng lượng tái tạo từ chất thải của Công ty CP năng lượng tái tạo DVA đạt 16,74% công suất thiết kế; Khu liên hiệp Xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại Công ty TNHH Sông Xanh đạt 11,58% công suất thiết kế; Nhà máy Lưu trữ, xử lý và tiêu hủy chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Huy Thịnh chỉ đạt 0,49% công suất thiết kế… Do đó, một số nhà máy xử lý chất thải nguy hại được Bộ TN-MT cấp phép đã thu gom chất thải từ các tỉnh, thành khác về xử lý.
Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận, quy hoạch chất thải rắn của tỉnh chưa tính đến khu vực phù hợp để xử lý chất thải rắn phóng xạ có nguồn gốc tự nhiên phát sinh từ quá trình hoạt động tại nhà máy sản xuất Zirconium Việt Nam của Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam, với khối lượng khoảng 3.000 tấn/năm (dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường). Vì vậy, hiện nay, chất thải của nhà máy này đang được lưu giữ tạm tại dự án chôn lấp của Công ty TNHH Sông Xanh trong Khu XLCTTT Tóc Tiên. Điều đó có nghĩa là, Khu XLCTTT Tóc Tiên với sứ mệnh là xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn có những loại chất thải chưa được quy hoạch để xử lý, trong khi những chất thải khác như: dầu thải, dung môi, bao bì... lại thừa dự án, dẫn đến thiếu nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động.
Để khắc phục những bất cập trên, tháng 11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3318/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu XLCTTT Tóc Tiên. Đến nay, ngân sách tỉnh đã đầu tư khoảng 137,63 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khung cho khu xử lý như: giao thông, cấp điện, nước, thoát nước mưa, thông tin liên lạc, văn phòng, cổng và hàng rào. Đầu tháng 3/2021, UBND tỉnh cũng đồng ý phương án điều chỉnh lô C1 thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu XLCTTT Tóc Tiên từ “quy hoạch xử lý chất thải thông thường” thành “quy hoạch xử lý chất thải nguy hại”. Tổng diện tích lô C1 khoảng 8ha, trong đó 5,8ha đất xây dựng công trình và 2,2ha đất cây xanh cách ly. Song song đó, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi các cơ sở xử lý chất thải hoạt động kém hiệu quả hoặc chậm triển khai; đồng thời sớm kêu gọi thu hút đầu tư dự án đốt rác phát điện để giảm tải xử lý rác thải sinh hoạt cho Công ty TNHH Kbec Vina. |
Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Khu XLCTTT Tóc Tiên chỉ tập trung xử lý chất thải công nghiệp. Chất thải rắn sinh hoạt một phần sẽ được xử lý bằng phương pháp vi sinh tại nhà máy XLCT sinh hoạt của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc (xã Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), phần lớn còn lại sẽ xử lý tại khu XLCTTT xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) bằng công nghệ đốt.
Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 17 dự án tại Khu XLCTTT Tóc Tiên. Trong đó, 10 dự án đã xây dựng và vận hành gồm: Dự án Nhà máy Xử lý và chế biến các chất thải lỏng sinh hoạt của Công ty TNHH Đại Nam; Dự án Bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp không nguy hại hợp vệ sinh của Công ty TNHH Kbec Vina; Dự án Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH Hà Lộc; Dự án Nhà máy Xử lý chất thải nguy hại của Công ty CP Môi trường Sao Việt; Dự án Nhà máy Tái chế xỉ thép làm phụ gia xi măng và vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Việt Ninh; Dự án Nhà máy Xử lý chất thải công nghiệp, dầu khí và chất thải nguy hại của Công ty CP Môi trường sạch Việt Nam; Dự án Nhà máy Chế biến năng lượng tái tạo từ chất thải của Công ty CP Năng lượng tái tạo DVA; Dự án Di dời cơ sở xử lý chất thải hiện hữu của Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến; Dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại của Công ty TNHH Sông Xanh; Dự án Nhà máy Lưu trữ, xử lý và tiêu hủy chất thải công nghiệp của Công ty TNHH Thương mại Huy Thịnh.
7 dự án đang đầu tư xây dựng gồm: Dự án Khu chôn lấp rác thải sau xử lý của Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tân Thành và Dự án Di dời Nhà máy Xử lý chất thải rắn Tân Thành cùng của Công ty CP Môi trường xanh Bảo Ngọc; Dự án Di dời cơ sở tái chế chất thải nguy hại của Công ty Dung Ngọc; Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Quý Tiến của Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến; Khu xử lý tập trung rác thải y tế bằng công nghệ đốt áp suất âm - không khói trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty CP Sara Vũng Tàu; Dự án Nhà máy Đốt rác sinh hoạt và tái chế cao su phế thải của Công ty TNHH Giải pháp Môi trường Nhật Minh; Dự án Trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý chất thải lỏng, bùn thải của Công ty CP Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.285 tấn/ngày, trong đó có 204 tấn chất thải nguy hại. Nếu tính tổng công suất của 7 dự án xử lý chất thải nguy hại là 581,5 tấn/ngày thì các nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong khu xử lý này đang dư hơn 50% công suất so với khối lượng thực tế phát sinh trên địa bàn tỉnh. Khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh là 900-1.000 tấn/ngày đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại Công ty TNHH Kbec Vina.
SONG THƯ
|
CHỒNG CHÉO VỀ QUẢN LÝ
Không chỉ bất cập trong quy hoạch, công tác quản lý các DN thứ cấp trong khu xử lý cũng thiếu đồng bộ. Ông Mai Trung Hưng cho biết thêm, theo quy định, cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý Nhà nước về chất thải rắn thuộc chức năng của Sở TN-MT. Việc Sở Xây dựng quản lý chất thải rắn sinh và công nghiệp thông thường như hiện nay là rất khó do không phù hợp với quy định hiện hành. Ngoài ra, Sở Xây dựng không có cán bộ, công chức có chuyên môn về môi trường, không có các cơ quan chuyên môn về môi trường để tham mưu, khi phát hiện vi phạm không thể xử lý do không có chức năng thanh tra, xử phạt về quản lý chất thải. Vì vậy, Sở Xây dựng nên kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường từ Sở Xây dựng.
Trong khi đó, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, về pháp lý, Khu XLCTTT thuộc quản lý của Sở Xây dựng. Các DN đầu tư thứ cấp trong khu này lại được Bộ TN-MT cấp đánh giá tác động môi trường nên khi xảy ra sự cố về môi trường thì “không biết kêu ai”. Cũng theo ông Hải, Khu XLCTTT hiện có 17 dự án thứ cấp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó 10 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đang trong quá trình đầu tư hoặc di dời từ nơi khác về. Các dự án trong khu xử lý đều có tính chất phức tạp, nguồn thải đa dạng, có cả chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải hầm cầu, chất thải sinh hoạt, bùn nạo vét cống thoát nước…
Phân loại chất thải tại Nhà máy Xử lý chất thải Quý Tiến, một DN đầu tư thứ cấp trong Khu XLCTTT Tóc Tiên. |
Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, một số nhà máy chưa có giải pháp bảo vệ môi trường triệt để; dây chuyền, thiết bị, công nghệ của các nhà máy bị xuống cấp. Đặc biệt, khu XLCTTT chưa có hệ thống hạ tầng hoàn thiện như: khu xử lý nước thải tập trung, quan trắc tự động. Hầu hết các DN trong khu xử lý đang tự xử lý nước thải, khí thải theo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN-MT cấp.
Trước mắt, để quản lý hoạt động của Khu XLCTTT Tóc Tiên một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng đề xuất nên chuyển đổi hình thức quản lý từ riêng lẻ các DN trong khu xử lý sang mô hình quản lý tập trung như một KCN-CCN. Ý kiến này đã được UBND tỉnh giao cho Sở Công thương xem xét, đề xuất mô hình chuyển đổi.
Bài, ảnh: QUANG VŨ