Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần có các chính sách lâu dài, khuyến khích, hỗ trợ các DN tư nhân lập hãng tàu vận tải biển, hoặc liên doanh, liên kết với hãng tàu lớn, cũng như tính đến việc sản xuất cũng như xuất khẩu container.
Tàu CMA CGM cập cảng Germalink. |
Tuy nhiên, việc đầu tư vào vận tải biển quốc tế không hề đơn giản, đòi hỏi DN phải có kinh nghiệm, năng lực tài chính tốt, đặc biệt là công nghệ. Bản thân thị trường hiện tại đã có những hãng tàu lịch sử hàng trăm năm liên minh lại với nhau nên sẽ rất khó với các DN mới. Cùng đó, vận chuyển tàu quốc tế đến các nước hiệu quả kinh doanh thì chủ hãng tàu phải có văn phòng đại lý hoạt động tại nước sở tại, xây dựng hệ thống phân phối, kho bãi ở nước ngoài. Các chi phí này lên đến cả tỷ USD, trong khi DN tàu biển Việt Nam đa phần đang thua lỗ.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương), hiện các DN Việt Nam đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần vận chuyển ra quốc tế tuy nhiên, chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á, chưa có các chuyến đi EU, Mỹ.
Do đó, muốn có những DN dẫn dắt trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế thì Nhà nước phải có cơ chế. Đơn cử như, Bộ GT-VT cần xây dựng đề án phát triển vận tải biển, đặc biệt là container, phải xây dựng riêng một đề án. “Chúng ta không thể làm được trong một ngày, nhưng trong 1 - 2 năm tới, hy vọng đây sẽ là một hướng đi mới trong sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng để thực hiện được “giấc mơ” trên, Nhà nước cần kích thích DN đầu tư phát triển các tàu hàng chủ yếu bằng cách tiếp cận vốn vay, vốn ưu đãi kích cầu, chưa kể có giúp sức của các bộ, ban, ngành về lượng hàng hoá, các cơ quan thương vụ, tham tán ở nước ngoài cũng phải hỗ trợ thì DN mới tồn tại và phát triển được.
THANH NGA