Giảm dần cơ cấu nền nông nghiệp truyền thống, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng để huyện Đất Đỏ phát triển nông nghiệp bền vững.
Mô hình trồng rau trong nhà màng của gia đình ông Hoàng Văn Sơn (xã Long Mỹ) đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
HIỆU QUẢ NHỜ LIÊN KẾT
Khu nhà màng rộng hơn 3.000m2 của gia đình ông Hoàng Văn Sơn (xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) phủ màu xanh mướt của rau dền, cải thìa… Theo lời kể của ông Sơn, từ hơn 10 năm trước, gia đình ông trồng các loại rau ăn lá trên diện tích 6.000m2 theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, do không có đầu ra ổn định nên ông chỉ bán lẻ ở chợ, thu nhập thấp và bấp bênh.
Năm 2020, ông đã được Công ty TNHH MTV 4K Farm và Bách hóa xanh hỗ trợ đầu tư 3.200m2 nhà màng để trồng rau sạch, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm. Với phương pháp canh tác mới này, ngay vụ đầu tiên, gia đình ông đã thu hoạch được 5,5 tấn rau các loại, sau khi trừ chi phí, ông lãi 30 triệu đồng. “Từ khi chuyển sang trồng rau trong nhà màng, tôi không còn phải lo thời tiết thất thường, rau mất mùa nữa. DN bao tiêu sản phẩm nên thu nhập cũng ổn định hơn”, ông Sơn nói thêm.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Mỹ cho biết, hiện nay mô hình liên kết giữa nông dân với Công ty TNHH MTV 4K Farm và Bách hóa xanh trồng rau, dưa lưới trong nhà màng đã có 15 hộ tham gia với diện tích hơn 3ha. Bước đầu, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân yên tâm sản xuất, đời sống kinh tế ổn định. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển mô hình HTX liên kết nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm, trong đó tiếp tục phát huy mô hình liên kết giữa nông dân và DN trong trồng rau, dưa lưới. Đồng thời, tập trung rà soát chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung.
Ngoài mô hình này, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đã triển khai chương trình hợp tác với 45 nông dân khu phố Phước Điền, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ để thành lập Tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao. Theo đó, sau khi nông dân ký kết hợp tác sản xuất lúa theo quy trình, Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời sẽ hỗ trợ về nhân sự, cung cấp lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón; hỗ trợ vốn sản xuất và kinh doanh nông sản, dịch vụ nông nghiệp… Đồng thời, công ty cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống HTX hướng dẫn giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả và thu mua toàn bộ sản phẩm.
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Năm 2017, huyện Đất Đỏ đã ban hành Đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) trên địa bàn huyện đến năm 2020. Sau 3 năm triển khai, tính đến hết năm 2020, quy hoạch vùng trồng các loại rau, củ, quả, lúa và vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã hình thành tại các xã Láng Dài, Phước Long Thọ, Phước Hội và thị trấn Phước Hải, với diện tích khoảng 250ha, thu hút DN và hộ dân tham gia. Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, đã có 23 hộ dân thực hiện mô hình trồng dưa lưới, rau, hoa trong nhà màng với diện tích hơn 6,4ha.
Ngoài việc đầu tư nhà màng, nhà lưới, nhiều hộ nông dân đã chuyển từ hình thức tưới thủ công, kéo dây sang áp dụng hệ thống tưới tự động trên cây trồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi công nghệ cao như nuôi gà, vịt, heo trong chuồng lạnh khép kín, máng ăn và máng uống tự động, nuôi tôm công nghệ cao...
Các mô hình sản xuất NNUDCNC trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu. Cùng với đẩy mạnh UDCNC, việc liên kết giữa DN và nông dân theo hình thức chuyển giao giống mới, chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra đã tạo ra các chuỗi sản phẩm có giá trị cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ, hiện nay, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ rau giữa nông dân và các DN đã giúp người dân thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp truyền thống sang phương pháp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm và có đầu ra ổn định. Thời gian tới, huyện tiếp tục kêu gọi các DN và vận động hộ dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp kết hợp triển khai thực hiện Nghị quyết 21/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Trong đó, năm 2021, huyện tiếp tục triển khai mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giữa hộ dân với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời; nhân rộng mô hình liên kết trồng rau trong nhà màng với Công ty TNHH MTV 4K Farm và Bách hóa xanh. Đồng thời, huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án phân khu NNUDCNC xã Phước Hội; kêu gọi và tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất NNUDCNC, hỗ trợ DN thủ tục, chính sách theo quy định pháp luật, nhất là về thủ tục đất đai để triển khai dự án; kêu gọi các DN tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo đầu ra ổn định cho nông dân.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU