Hệ thống bán lẻ phát triển mạnh ở vùng nông thôn

Thứ Năm, 11/03/2021, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng, dịch vụ thương mại, nhất là các khu vực nông thôn. Hệ thống chợ, chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại phát triển mạnh đã góp phần thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu đời sống thiết yếu của người dân nơi đây.

Chợ Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) được đầu tư sửa chữa giúp việc buôn bán của tiểu thương thuận lợi hơn.  Trong ảnh: Người dân mua hải sản tươi sống tại chợ Hắc Dịch.
Chợ Hắc Dịch (TX. Phú Mỹ) được đầu tư sửa chữa giúp việc buôn bán của tiểu thương thuận lợi hơn. Trong ảnh: Người dân mua hải sản tươi sống tại chợ Hắc Dịch.

CHỢ NÔNG THÔN VĂN MINH, HIỆN ĐẠI

Đầu năm 2018, chợ Hắc Dịch (phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) được đầu tư nâng cấp khang trang, sạch sẽ. Các sạp, kiốt và lối đi trong chợ được mở rộng, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. Chợ có diện tích 10.200m2 (mở rộng 850m2 so với diện tích ban đầu là 9.350m2), tổng vốn đầu tư gần 28 tỷ đồng, với 186 quầy sạp/170 hộ kinh doanh. Việc đầu tư xây dựng chợ đã giúp tiểu thương thuận lợi hơn trong kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Trước đó, năm 2011, chợ Đất Đỏ đầu tư, nâng cấp thành chợ hạng II gồm 4 nhà lồng, với 282 tiểu thương kinh doanh. Cuối năm 2019, Sở Công thương đã đưa mô hình thí điểm chợ VSATTP tại chợ. Hiện, chợ không chỉ đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân địa phương mà còn phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến địa phương. Đồng thời, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Đức, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có 16 chợ, gồm: 1 chợ hạng I (chợ Kim Long), 1 chợ hạng II (chợ Ngãi Giao) và 14 chợ hạng III với trên 2.500 hộ kinh doanh. Các chợ trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ; 14/16 xã đã được đầu tư, xây dựng chợ, qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội huyện, phát triển thương mại nông thôn, đáp ứng được nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cơ bản của nhân dân địa phương trên địa bàn huyện.

Trong khi đó, tại TX. Phú Mỹ, các chính sách phát triển thương mại đã thúc đẩy tốc độ phát triển ngành thương mại-dịch vụ tăng khá cao. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành được một số tụ điểm thương mại dịch vụ, 1 siêu thị, 1 trung tâm thương mại mua sắm, 16 chợ và nhiều điểm bán lẻ, mạng lưới thu mua sản phẩm do nông dân sản xuất ra đã được hình thành.

Thống kê của Sở Công thương cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 88 chợ trong quy hoạch, trong đó có 3 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 72 chợ hạng III và chợ tạm. Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng... cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân và cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương. Việc phát triển thương mại vùng nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách về mức thu nhập, mức sống giữa người dân ở khu vực nông thôn và đô thị.

CÓ THÊM NHIỀU KÊNH BÁN LẺ HIỆN ĐẠI

Thời gian qua, UBND tỉnh, ngành Công thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích các DN, hộ gia đình đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại theo đúng các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, ngoài hệ thống chợ truyền thống, các điểm bán hàng Việt Nam cố định, các cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng đã phát triển mạnh ở các vùng nông thôn.

Chẳng hạn như điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt” đã giúp người tiêu dùng yên tâm mua sắm vì sản phẩm được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại các huyện như: Xuyên Mộc, Châu Đức, Long Điền, Côn Đảo, TX. Phú Mỹ… Các điểm bán hàng này được triển khai, hỗ trợ ở các xã vùng nông thôn đã trở thành kênh mua sắm tin cậy cho người dân và góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí số 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ hiện đại cũng đã góp mặt ở thị trường nông thôn. Điển hình như thương hiệu Bách Hóa Xanh của Tập đoàn Thế giới di động. Không chỉ phát triển ở các thành phố, hiện chuỗi cửa hàng này có mặt ở hầu hết trên địa bàn các huyện, thị của tỉnh. Các cửa hàng này có quy mô nhỏ, diện tích từ 100-300m2 và “len lỏi” trong các khu dân cư. Đến đây, người tiêu dùng được mua sắm trong không gian sạch sẽ, mát mẻ, nguồn gốc sản phẩm, giá cả được niêm yết rõ ràng. Đặc biệt chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và Công ty TNHH MTV 4K Farm còn liên kết với nông dân trồng rau trong nhà màng để cung cấp sản phẩm trên kệ hàng của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngành Công thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ; hoàn thiện hệ thống thương mại bán buôn, bán lẻ phù hợp với từng loại thị trường, nhất là vùng nông thôn; liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.