Gỡ khó cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Thứ Tư, 31/03/2021, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Công tác BT-GPMB chậm đã dẫn đến nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ, cản trở quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Trong năm 2020, một số dự án trọng điểm đã được gỡ vướng trong công tác BT-GPMB để triển khai trong đó có dự án KCN Sonadezi Châu Đức. Trong ảnh: HĐND tỉnh khảo sát vướng mắc trong khâu BT-GPMB tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) của dự án KCN Sonadezi.
Trong năm 2020, một số dự án trọng điểm đã được gỡ vướng trong công tác BT-GPMB để triển khai trong đó có dự án KCN Sonadezi Châu Đức. Trong ảnh: HĐND tỉnh khảo sát vướng mắc trong khâu BT-GPMB tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ) của dự án KCN Sonadezi.

Đó là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị triển khai chính sách về công tác BT-GPMB do UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN-MT tổ chức chiều 31/3 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, những năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm đã được tỉnh tích cực tháo gỡ vướng mắc trong công tác BT-GPMB để triển khai đúng tiến độ như: KCN Phú Mỹ III, cầu Phước An, đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải (TX. Phú Mỹ); KCN Sonadezi Châu Đức; Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (TP. Vũng Tàu)… “Tuy nhiên, tiến độ BT-GPMB nhiều dự án không bảo đảm dẫn đến giá đất cụ thể đã khảo sát không còn phù hợp, phải khảo sát lại nhiều lần, gây lãng phí ngân sách Nhà nước”, ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án chậm tiến độ như: khu tái định cư Tây Bắc AIII (TP. Vũng Tàu); nâng cấp đường Suối Sỏi - cánh đồng Don đoạn qua huyện Châu Đức, nâng cấp đường Ngãi Giao - Cù Bị, nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét… cùng trên địa bàn huyện Châu Đức. Nguyên nhân là do các chính sách pháp luật về đất đai chưa sát thực tế; người dân có đất bị thu hồi không hợp tác; một số công trình, dự án lớn phải thực hiện nhiều năm nhưng chủ đầu tư không đăng ký sử dụng đất theo từng năm mà đăng ký tổng thể dự án, dẫn đến công tác BT-GPMB kéo dài nhiều năm…

Đặc biệt, giá bồi thường chưa phù hợp với giá thị trường. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hình thành 3 mặt bằng giá đất: Bảng giá của Nhà nước (áp dụng để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại khoản 2, Điều 114, Luật Đất đai 2013); bảng giá Nhà nước nhân hệ số điều chỉnh (Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành hàng năm, áp dụng để xác định nghĩa vụ tài chính đối với các thửa đất giá trị dưới 20 tỷ đồng) và giá đất cụ thể (bồi thường, xác định nghĩa vụ tài chính của dự án trên 20 tỷ đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 114, Luật Đất đai 2013).

Việc hình thành 3 mặt bằng giá làm ảnh hưởng đến thời gian thực hiện dự án (khảo sát giá, so sánh giá, thẩm định, phê duyệt), lãng phí ngân sách Nhà nước; gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc xây dựng dự toán, xác định vốn đầu tư để đánh giá hiệu quả của dự án. Đồng thời, khung giá đất nông nghiệp do Chính phủ quy định đối với khu vực Đông Nam Bộ hiện nay tối đa là 300 ngàn đồng/m2. Khung giá này thấp, làm phát sinh bất cập khi xây dựng bảng giá đất cũng như hệ số điều chỉnh đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư đô thị.

Đại diện Sở Tài chính cũng cho biết, phương pháp xác định giá đất, thông tin khi lấy giá đất phục vụ công tác BT-GPMB chưa được hướng dẫn rõ khiến địa phương gặp khó khăn, lúng túng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lanh, Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ TN-MT) cho biết, những vấn đề này sẽ được tổng hợp, báo cáo Bộ TN-MT để chỉnh sửa cho phù hợp trong đợt sửa đổi Luật Đất đai tiếp theo. Với các vướng mắc cụ thể, địa phương cần gửi văn bản về Tổng cục Quản lý đất đai để được hướng dẫn.

Trong khi đó, theo Sở TN-MT, trước mắt đơn vị này sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ TN-MT hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, trong đó có quy định liên quan đến giá đất và BT-GPMB, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và chủ đầu tư, đồng thời tạo khung pháp lý cho địa phương tham mưu tốt công tác BT-GPMB. Với các trường hợp cụ thể, đề nghị bộ, ngành hướng dẫn khi địa phương có văn bản xin ý kiến. Sở TN-MT cũng tiếp tục tổ chức các hội nghị tiếp xúc DN nhằm lắng nghe các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách BT-GPMB, từ đó tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời các chính sách không còn phù hợp, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.