Từ cuối tháng 2 đến nay, giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhanh, thời điểm này gần chạm mốc 80.000 đồng/kg, là mức giá mà người trồng tiêu đã bắt đầu có lãi. Như vậy, sau gần 4 năm liên tiếp lao dốc, lần đầu tiên giá hồ tiêu khởi sắc trở lại. Người trồng tiêu vui mừng vì giấc mơ về giá tiêu tăng bật đã rất gần.
Giá tiêu tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây khiến người trồng hồ tiêu vô cùng khấn khởi. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại gia đình ông Trương Bình Minh (ấp Suối lúp, xã Bình Ba). |
GIÁ TĂNG TỪNG NGÀY
Tại các xã Bình Giã, Bình Ba (huyện Châu Đức), hiện giá hồ tiêu đang được thương lái thu mua tại vườn dao động 78.000-79.000 đồng/kg. So với cuối tháng 2, giá hồ tiêu đã tăng gần 30.000 đồng/kg và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trương Bình Minh, tổ 4, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba cho biết, 1ha hồ tiêu của ông đang trong thời gian thu hoạch, dự kiến sẽ thu về sản lượng khoảng 2 tấn, thấp hơn 1 tấn so với năm ngoái. Thời điểm đầu mùa, giá hồ tiêu mức cao nhất cũng chỉ 50.000-52.000 đồng/kg, khiến nông dân không mấy mặn mà thu hoạch. Nay giá tiêu nhảy vọt lên gần 80.000 đồng/kg nên ai cũng cố gắng tranh thủ hái.
Theo tính toán của ông Minh, năm nay chi phí đầu tư thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí thuê lao động, gia đình ông đã bắt đầu có lãi. “Khoảng 2 tuần nữa sẽ thu hoạch xong. Hiện nay tôi đang cố gắng tìm thêm công nhân để hoàn thành vụ tiêu năm nay. Hy vọng giá tiêu ngày càng tăng để chúng tôi gỡ gạc lại sau nhiều năm giá ảm đạm, lỗ nặng”, ông Minh cho hay.
Thu hoạch tiêu tại hộ ông Trương Đức Hồng (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã). |
Những ngày này, không khí hái hồ tiêu tại gia đình ông Trương Đức Hồng, ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã tấp nập, khẩn trương và phấn khởi hơn. 3 ngày nay, ngoài 2 vợ chồng ông còn có thêm 6 nhân công nữa đang tích cực hái tiêu. Ông Hồng cho hay, vườn tiêu 1ha đang ở năm thứ 5, mặc dù được chăm sóc khá kỹ lưỡng song năm nay sản lượng tiêu ước tính chỉ đạt khoảng 3 tấn, giảm 1 nửa so với năm ngoái. Mặc dù sản lượng thấp, song bù lại, giá tiêu đang tăng dần khiến ông vô cùng phấn khởi. Với giá đang được thu mua ở mức 78.000-79.000 đồng/kg, ước tính ông sẽ thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Theo tìm hiểu của ông Hồng, mấy hôm nay mỗi ngày giá hồ tiêu đều tăng khoảng 2-3.000 đồng/kg và khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới. “Gia đình tôi đang cắm sổ đỏ vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư vào hồ tiêu và một số loại cây trồng khác. Hy vọng giá tiêu sẽ còn tăng lên nữa để gia đình có tiền trả nợ ngân hàng, cuộc sống ổn định hơn”, ông Hồng nói thêm.
Ngoài huyện Châu Đức, khảo sát tại vùng trồng tiêu huyện Xuyên Mộc, một tuần trở lại đây, thương lái tới thu mua tại vườn cũng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Mức giá hiện cũng đang được thu mua tại vườn giao động 77.000-79.000 đồng/kg, với hồ tiêu trồng theo quy trình hữu cơ, giá tiêu thường được các đại lý, nhà thu mua trả cao hơn từ 10-15%.
KHÓ CHẮC CHẮN GIẤC MƠ SẼ THÀNH SỰ THẬT
Theo những người trồng tiêu, với tình hình hiện nay, khả năng giá hồ tiêu sẽ còn tăng trong thời gian tới. Do đó, nhiều hộ trồng hồ tiêu đang có tâm lý găm hàng lại chưa bán vội. Trong khi đó, các thương lái cũng đẩy mạnh việc gom hàng. Điều này càng khiến nguồn cung hồ tiêu thiếu cục bộ.
Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, giá hồ tiêu tăng trở lại là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn huyện Châu Đức khi hồ tiêu vẫn là một trong những cây trồng chủ lực tại địa phương với diện tích 5.900ha. Tuy nhiên, theo ông Khởi cũng khuyến cáo bà con nông dân cần thận trọng khi tái đầu tư vào cây tiêu ở thời điểm hiện tại, bởi hiện nay giá thành vẫn chưa ổn định, trong khi sản lượng giảm mạnh, việc tìm kiếm nguồn lao động hái hồ tiêu cũng đang khó khăn khi giá thuê ngày càng cao. “Việc trước mắt là người dân cần tập trung chăm sóc, đầu tư vào diện tích hồ tiêu đang cho năng suất ổn định, tuổi đời chưa cao, tránh tái đầu tư vào những vùng đất cằn cỗi, kém hiệu quả”, ông Khởi cho hay.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN-PTNT), 2 tuần trở lại đây, giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, riêng tỉnh BR-VT được xem là địa phương có mức giá thu mua cao nhất trong cả nước, giao động từ 75-80.000 đồng/kg. Việc giá tiêu tăng là tín hiệu đáng mừng cho ngành hồ tiêu nói chung và BR-VT nói riêng, là cơ hội để người trồng hồ tiêu vực dậy sau nhiều năm giá bị đẩy xuống thấp. Tuy nhiên, theo ông Đức, với mức giá hiện nay, người dân trồng tiêu mới chỉ mức hòa vốn chứ chưa có lãi. Sở dĩ như vậy là bởi nhiều vườn tiêu trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua không được đầu tư, chăm sóc dẫn tới sản lượng thấp. Trong khi đó, giá thuê người thu hoạch, phân bón, thuốc BVTV ngày một tăng cao dẫn tới chi phí tăng lên đáng kể. Do đó, thay vì tiếp tục mở rộng diện tích, bà con nông dân cần tăng cường chăm sóc, phát triển diện tích sẵn có theo hướng bền vững. Định hướng của tỉnh đến năm 2025 duy trì diện tích khoảng 12.000ha, số còn lại sẽ chuyển đổi cây trồng và đầu tư công nghệ cao. “Thị trường hồ tiêu vẫn còn chưa ổn định, do đó, tại thời điểm hiện nay, bà con nông dân trồng tiêu cần thận trọng trong việc tái đầu tư mà tập trung, chú trọng chăm sóc, phục dưỡng những diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững, để tránh rủi ro”, ông Đức nhấn mạnh.
------------
Trước những biến động mạnh của giá tiêu nội địa trong những ngày gần đây, cuối tuần qua Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức họp đột xuất Ban Chấp hành mở rộng (gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 DN xuất khẩu hồ tiêu trong nước và DN FDI). Mục đích cuộc họp là để tìm hiểu nguyên nhân cũng như lắng nghe ý kiến của các DN trong việc đánh giá thị trường hồ tiêu hiện nay, nhằm tìm biện pháp để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo nhận định của VPA, giá hồ tiêu tăng cao như những ngày qua là “bất thường”, trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. VPA cũng nhận định, giá tiêu tăng “nóng” như hiện tại ngoài các yếu tố khách quan, còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước mới thu hoạch bình quân khoảng 30-40% diện tích. Ước tính đến cuối tháng 4/2021 bà con nông dân mới cơ bản thu hoạch xong, vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD, giảm 25,3% về lượng và giảm 6,5% về kim ngạch xuất khẩu (tháng 2 là tháng trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao).
Nông dân huyện Châu Đức thu hoạch tiêu. |
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh, giá tiêu tăng cao bất thường trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Cụ thể trong những ngày gần đây, trên các vùng nguyên liệu giá tiêu nội địa liên tục tăng cao từ mức 56.000 đồng/kg ngày 3/3 tăng đến 70.000 đồng/kg ngày 11/3. Trong khi đó dịch COVID-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy nhu cầu tiêu thụ và chế biến trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn loại 500 g/l nhưng rất ít người mua. Hiện nay một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà bán hàng Dubai do giá tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.
Đại diện một DN xuất khẩu tiêu hàng đầu Việt Nam, hiện chỉ mới đầu vụ thu hoạch tiêu nhưng đa số người mua đầu cơ và nông dân trữ hết, không bán hàng ra. Những DN xuất khẩu thấy giá tăng cao thì không mua hàng nữa và quay sang mua ở những nước khác như Indonesia, Brazil. Trong khi Việt Nam xuất khẩu đến 90% sản lượng tiêu trong nước thì nếu không đẩy nhanh xuất khẩu, với ước tính sản lượng năm nay gần 200.000 tấn và tồn kho trước đây thêm 130.00 tấn nữa thì sẽ không cách nào tiêu thụ hết. Đó sẽ là rủi ro lớn cho người trồng tiêu.
Trước tình hình biến động mạnh của giá tiêu, VPA khuyến cao người trồng tiêu tại các địa phương cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. Hạn chế tình trạng thấy giá tiêu lên cao lại mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU