Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công thương và địa phương ban đã hành nhiều chính sách mới về công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Các chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn để CNHT phát triển.
Các DN ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu 80% nguyên phụ liệu để sản xuất. Trong ảnh: Công nhân may quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam (KCN B1 Conac Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ). |
PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG TIỀM NĂNG
Ưu tiên đầu tư cho CNHT được Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy ngành công nghiệp - một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập trung thu hút, thúc đẩy và khởi công xây dựng một số dự án có vốn đầu tư lớn, giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh, lan tỏa trong lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và CNHT. Đến nay, toàn tỉnh có gần 90 dự án thuộc lĩnh vực CNHT với giá trị sản xuất chiếm khoảng 25% toàn ngành công nghiệp, không tính dầu thô và khí đốt. Các dự án tập trung vào nhóm ngành: gia công cơ khí, dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất, nhựa, thiết bị điện, linh kiện điện tử…
Sản xuất hạt nhựa PP tại Công ty TNHH hóa chất Hyosung - một trong những dự án CNHT của tỉnh. |
Ngành CNHT phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đáng chú ý, một số DN sản xuất linh kiện có năng lực khá tốt trên các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện ô tô, linh kiện điện tử… Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành CNHT của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các sản phẩm CNHT của tỉnh chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. CNHT khu vực DN trong nước phát triển khá chậm, với số lượng còn ít, quy mô DN nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn hạn chế, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, nhiều DN chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Một trong những hạn chế của CNHT là còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh, phụ kiện đầu vào. Số liệu từ ngành công thương cho thấy, toàn tỉnh hiện có 13 nhóm mặt hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, gồm: Máy móc thiết bị, hóa chất, nguyên liệu giày da, may mặc, hàng tiêu dùng, nguyên liệu hải sản, bao bì, khí công nghiệp, nguyên liệu gạch men, phân bón… Trong số này, ngành hàng phải nhập khẩu nhiều nhất là gỗ, giày da (80%); linh kiện, thiết bị cơ khí, điện tử 70%; may mặc 60%. Vì vậy, khi dịch COVID-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh, phụ kiện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp này của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng đã gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như ngành dệt may, nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước vẫn là tiêu chí các DN may mặc xuất khẩu hướng đến, song tỷ lệ đáp ứng vẫn thấp. Trong khi đó, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì DN phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn.
Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT đặt mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. |
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu cho biết, hiện chỉ có một số ít nguyên liệu của công ty được mua trong nước. Trong khi đó, vải là nguồn nguyên liệu chính nhưng gần 80% phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Do đó, để ngành may mặc phát triển bền vững, cần có những KCN sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa...
Còn với ngành chế biến gỗ, đa phần nguồn phụ liệu như đinh vít, sơn, giấy chà nhám, trang trí… được nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm. Vì vậy, đại diện các DN cho rằng, nếu ngành CNHT phát triển mạnh, đa dạng về chủng loại, chất lượng bảo đảm thì BR-VT sẽ có thêm nguồn thu ngân sách và các DN có đủ nguyên, phụ liệu tại chỗ, tiết kiệm thời gian và chi phí.
KỲ VỌNG TỪ CÁC CHÍNH SÁCH MỚI
Cuối năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Để hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống, Bộ Công thương đã rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập nhằm hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT. Cụ thể, Bộ Công thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn 2035; sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước; xây dựng nghị định về phát triển ngành cơ khí trọng điểm.
Tại BR-VT, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đã xác định tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu và trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và CNHT là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh cũng đã và đang xây dựng, củng cố những chính sách để phát triển ngành CNHT bằng các giải pháp cụ thể như: ưu tiên thu hút các DN ngành CNHT; tập trung phát triển các DN ngành CNHT; kịp thời hỗ trợ, tạo sự kết nối giữa các DN trong cùng chuỗi cung ứng.
Đa phần phụ liệu như đinh vít, sơn, giấy chà nhám ngành chế biến gỗ phải nhập khẩu. Trong ảnh: Chế biến gỗ nội thất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tiến Dũng (TX. Phú Mỹ). |
Trong đó, tỉnh tập trung vào các ngành công nghiệp dầu khí, đóng tàu, cảng biển, công nghiệp y tế, công nghiệp môi trường. Ông Huỳnh Trung Sơn, Trưởng Phòng quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho rằng, trong quá trình thu hút đầu tư, tỉnh đặc biệt ưu tiên các DN thuộc danh mục CNHT. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án CNHT tại các KCN có đủ điều kiện như KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Đất Đỏ 1; hỗ trợ các KCN khác phát triển CNHT. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai để tạo chuỗi liên kết sản phẩm.
Cùng với việc xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực CNHT, thời gian tới, tỉnh sẽ đề xuất các giải pháp để mở rộng thu hút DN các nước và vùng lãnh thổ khác như: Hàn Quốc, Đài Loan...
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN