An Ngãi là một trong những xã đầu tiên của huyện Long Điền cán đích nông thôn mới (NTM) vào năm 2014. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Ngãi tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong năm 2021.
Cơ sở nuôi cá kết hợp du lịch của ông Nguyễn Văn Gia (giữa) cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng. |
NỖ LỰC CHO MỤC TIÊU MỚI
Bà Lê Thị Hoàng Oanh, Chủ tịch UBND xã An Ngãi cho biết, năm 2011, xã bắt tay xây dựng NTM từ xuất phát điểm thấp, hầu hết các tiêu chí NTM đạt tỷ lệ thấp. Khi đó, hạ tầng chưa được tập trung đầu tư, giao thông nông thôn chưa kết nối, người dân đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ hộ dân tham gia BHYT thấp… Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, An Ngãi đã về đích NTM vào năm 2014.
“Xây dựng xã NTM chỉ là kết quả bước đầu. Với quyết tâm giữ vững danh hiệu này, những năm qua, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm nâng chất lượng các tiêu chí, tiến tới mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao”, bà Lê Thị Hoàng Oanh cho biết thêm.
Xã An Ngãi được huyện chọn để xây dựng xã NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Tuy nhiên, năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân trong xã. Do đó, ngay từ đầu năm 2021, căn cứ điều kiện thực tế, Đảng ủy xã đã chỉ đạo rà soát các phần việc, phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên từ xã đến ấp, lộ trình thời gian, phương pháp, cách làm cụ thể. Trong đó, Đảng ủy xã xác định lấy phát triển kinh tế làm đòn bẩy để xây dựng xã NTM nâng cao; nhân rộng các vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi cá mú, cá chẽm, sản xuất muối sạch trải bạt; mở rộng các ngành nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, An Ngãi còn được ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đến nay, 100% các tuyến đường liên xã, liên ấp được trải nhựa, hơn 26km đường nội đồng được bê tông hóa đến chân ruộng… Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. An Ngãi đã hoàn thành 15/15 tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, hiện đã trình UBND tỉnh thẩm định, công nhận.
TĂNG THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN
Với diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 240ha, xã An Ngãi được định hướng tái cơ cấu ngành theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển, nhân rộng các mô hình nuôi cá, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với dịch vụ và du lịch. Nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình đã xuất hiện. Chẳng hạn, gia đình ông Nguyễn Văn Gia (ấp An Thạnh) nuôi hơn 3.000 con cá mú, 1.000 cá chẽm, sản xuất muối sạch trải bạt với diện tích khoảng 2ha. Đồng thời, cơ sở của ông còn kết hợp phát triển mô hình du lịch sinh thái, kinh doanh ăn uống, tổ chức tour trải nghiệm làm muối cho HS, SV; câu cá giải trí, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương… Mô hình đã thu hút gần 1.000 lượt khách mỗi tháng, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Ông Trang Thanh Liêm, công chức phụ trách nông nghiệp, UBND xã An Ngãi cho biết, trong năm qua, địa phương đã phối hợp với các ngành của tỉnh và huyện hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn vốn theo Nghị quyết 05 HĐND tỉnh và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Xã cũng duy trì và phát triển một số ngành nghề truyền thống, từng bước xây dựng thương hiệu bánh tráng An Ngãi gắn với du lịch, nhằm quảng bá sản phẩm… Nhờ đó, thu nhập của người dân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,3%.
Giai đoạn 2020-2025, xã An Ngãi tập trung khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của xã để đưa thương mại - dịch vụ trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, mức thu nhập của người dân ổn định bền vững hơn.
Bài, ảnh: LƯƠNG TUẤN HẢI