Tập trung nguồn lực ứng phó hậu quả thiên tai

Chủ Nhật, 28/02/2021, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai như mưa lớn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng… Nhằm hạn chế tối đa những rủi ro mà thiên tai gây ra, đầu tháng 2/2021, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Một đoạn sông Lô đã bị bồi lấp hoàn toàn, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của hàng chục hộ dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).
Một đoạn sông Lô đã bị bồi lấp hoàn toàn, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của hàng chục hộ dân xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

THỜI TIẾT NGÀY CÀNG CỰC ĐOAN

Từ dòng sông dài hàng chục km, sau gần 9 năm bị bồi lấp do biến đổi khí hậu, nay bên bờ sông Lô (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) chỉ còn một bờ cát rộng. Hơn 44 ha diện tích đùng nuôi thủy sản của ngư dân bị ảnh hưởng trầm trọng.

Theo ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, sông Lô bắt nguồn từ sông Chùa (thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận), cùng với một số con suối chảy từ các xã Hòa Hội, Hòa Hiệp, Bông Trang, Bưng Riềng của huyện Xuyên Mộc đổ về. Từ năm 2012 đến nay, sông Lô đoạn chảy qua ấp Bình An, xã Bình Châu bắt đầu bị bồi lấp, trong đó có khoảng 1km đã bị bồi lấp hoàn toàn, khiến nước từ thượng nguồn sông Lô không thể thoát ra biển, độ mặn trong nước giảm đột ngột, gây tổn thất nặng nề cho nghề nuôi thủy sản trong khu vực.

Sông Lô chỉ là một trong những điểm chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là tình trạng biển xâm thực đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh có khoảng 40 khu vực bờ biển ở TP. Vũng Tàu, huyện Long Điền, Đất Đỏ, Côn Đảo và huyện Xuyên Mộc bị xói lở với tổng chiều dài bờ biển 48.618m.

Biển bồi lấp, đất đai bị xói mòn, BR-VT còn phải đối mặt với khô hạn cục bộ. Báo cáo của Trung tâm Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh (Sở NN-PTNT), năm 2020, nắng nóng kéo dài, lượng mưa tại khu vực có các hồ chứa đều giảm mạnh. Cụ thể, trong số 15 hồ thuộc quản lý của Trung tâm với tổng dung tích thiết kế gần 309 triệu m3, nhưng tổng trữ lượng nước của các hồ có những thời điểm giảm sâu dưới mức nguy hiểm còn khoảng 37 triệu m3, đạt 11,9% so với thiết kế như hồ sông Hỏa, hồ suối Các (huyện Xuyên Mộc). Dự báo năm 2021, khô hạn cũng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực có địa hình cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn tỉnh, nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan là do tác động của biến đổi khí hậu và BR-VT là 1 trong 28 địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đặc biệt là các loại thiên tai như: sét, lốc, mưa lớn, lũ cục bộ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng.

CẦN PHÒNG TRÁNH ĐỂ GIẢM NHẸ TÁC HẠI

Ngày 1/2/2021, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động số 08/-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Chương trình này nhằm đạt được mục tiêu chung là thực hiện tốt công tác chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, huy động các lực lượng tổ chức ứng cứu các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” ứng phó kịp thời với thiên tai, giảm thiểu mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Theo đó, năm 2021, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai như: trang bị 3 tàu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh; triển khai giai đoạn 2 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại sông Dinh; thực hiện nạo vét lòng hồ sông Ray, Sở Bông; hoàn thành phê duyệt chủ trương xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Lấp; đầu tư trạm khí tượng Châu Đức; thực hiện các giải pháp chống xói lở bờ biển; xây dựng các tuyến đường vành đai bảo vệ an toàn hồ chứa nước… .

Các năm tiếp theo từ 2022-2030, tỉnh tiếp tục rà soát ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư các công trình phòng chống thiên tai, nhất là các công trình cấp bách bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khu vực bờ sông, bờ biển, trọng yếu. Chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai... Song song, đó là kêu gọi DN, người dân chung tay giảm phát thải nhà kính, tích cực trồng rừng, bảo vệ rừng.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.