Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã phát hành trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động. Ghi nhận tại các NH cho thấy, việc tăng vốn này không chỉ giúp NH có khả năng chống chọi tốt hơn trước tình hình suy giảm các hoạt động của DN trong thời gian qua mà còn là bệ phóng, giúp NH tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2021.
Năm 2020, Agribank phát hành 5 triệu cổ phiếu ra công chúng. Trong ảnh khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh BR- VT. |
CUỘC ĐUA TĂNG VỐN
Đầu tháng 1/2021, Viet Capital Bank thông báo ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào bán hơn 352 tỷ đồng. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 8-27/1/2021.
Trước đó, cuối tháng 12/2020, hệ thống Agribank đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 7 năm ra công chúng với số lượng 5 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng. Trong đó, tại BR-VT, Agribank phát hành số lượng trái phiếu tương đương 45,6 tỷ đồng. Mức lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ. Trong đó, lãi suất tham chiếu là lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của 4 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank. Biên độ lãi suất là 1.3%/năm cho 5 năm đầu và 1.5%/năm cho năm thứ 6 và năm thứ 7.
Hay như tại HDBank, vào cuối tháng 8/2020 cũng phát hành 15 triệu trái phiếu, với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng (mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu), được chia thành 3 đợt. Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu cho biết: Lãi suất trái phiếu cố định 8,5%/năm, kỳ hạn 7 năm nhưng HDBank có quyền mua lại sau 2 năm. Trái phiếu HDBank có thể cầm cố vay lại tại HDBank hoặc các TCTD khác (biên độ chỉ từ 0,5%).
Không riêng gì 3 ngân hàng trên mà nhiều ngân hàng khác cũng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 như ACB tăng vốn từ 16.627 tỷ đồng lên 21.615 tỷ đồng; BAC A BANK từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, VIB từ 9.244 tỷ đồng lên 11.093 tỷ đồng, SeABank từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng...
TĂNG QUY MÔ VỐN HOẠT ĐỘNG
Theo các chuyên gia tài chính, sở dĩ các ngân hàng ráo riết tăng vốn trong thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy chuẩn quản trị rủi ro Basel II, đã được hầu hết các ngân hàng triển khai từ năm 2019. CAR là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại. Hệ số này càng cao có nghĩa là tiềm lực tài chính và khả năng chịu đựng rủi ro khi phải đối mặt với những tình huống căng thưởng của ngân hàng càng lớn. Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ thì hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế, cho nên các ngân hàng đã chạy đua tăng vốn.
Thực tế, việc tăng vốn là rất cần thiết đối với các NH. Phản ánh của các NH cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, rủi ro từ các hoạt động của DN tăng cao, dẫn đến tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm quy mô vốn của ngân hàng. Do vậy, mục đích của đợt phát hành trái phiếu này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, tạo thêm nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN. Đây cũng là cơ hội trong cuộc đua mở rộng mạng lưới, thị phần và quy mô kinh doanh trong thời gian tới của các NH.
Theo NHNN, trong nửa đầu năm 2020, tín dụng gần như giậm chân tại chỗ khi cuối quý I và II lần lượt tăng 1,31% và 3,65%, đà tăng chỉ tích cực hơn kể từ quý III khi tính đến cuối quý này và đến 21/12/2020 lần lượt tăng 6,08% và 10,14%. Tính chung tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11%. Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được dự báo ở mức 10-12%.
Bài, ảnh: PHAN HÀ