Như mọi năm, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây người trồng tiêu trong thời điểm thu hoạch. Giá tiêu xuống thấp, chi phí nhân công cao và khan hiếm khiến nông dân loay hoay tìm đường xoay xở.
Sản lượng, giá thành thấp, trong khi chi phí đầu tư cao khiến người trồng tiêu gặp không ít khó khăn. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại hộ ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức). |
DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG GIẢM MẠNH
Dù thời gian thu hoạch hồ tiêu đã bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán, những đến hôm nay gia đình ông Phạm Văn Phương (ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức) mới thuê được người thu hoạch. Ông Phương cho biết, những năm trước, gia đình ông trồng khoảng 1,2ha tiêu, nhưng do tiêu căn cỗi, giá tiêu thấp nên ông đã chặt bỏ một phần, hiện chỉ còn khoảng 4 sào. Thông thường, vụ tiêu sẽ bắt đầu cho thu hoạch trước Tết Nguyên đán khoảng 10-15 ngày, song do không tìm được nhân công, ông đành phải để ra năm. Năm nay, sản lượng vườn tiêu của gia đình ông Phương chỉ đạt khoảng 1,5 tấn, giảm khoảng 40% so với năm ngoái.
Còn vườn tiêu của gia đình ông Võ Công Tường (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức), vụ thu hoạch này, ước tính, sản lượng giảm ½ so với năm ngoái. Với 8 sào tiêu, năm ngoái ông thu về 4 tấn năm nay ước đạt chỉ khoảng 2 tấn tiêu. “Sản lượng không đạt, giá cả không tăng nên nhiều người dân trong vùng đã chặt bỏ tiêu. Những hộ còn lại chưa có điều kiện chuyển đổi cây trồng thì rất chật vật. Vùng trồng tiêu bạt ngàn trù phú ngày xưa, nay đã trở nên xơ xác”, ông Tường cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thành, cho hay, địa phương là đơn vị có diện tích trồng hồ tiêu lớn nhất huyện Châu Đức với khoảng 890ha. 2 năm trở lại đây, toàn xã chỉ còn khoảng 500ha hồ tiêu. Theo ông Thìn, sở dĩ diện tích giảm nhanh là do hồ tiêu già cỗi, giá tiêu xuống thấp khiến hàng loạt người dân chặt bỏ trụ tiêu. Trong số này, địa phương đã quy hoạch, chuyển đổi khoảng 25ha sang trồng cây cacao, số còn lại do người dân tự chuyển đổi sang các loại cây ăn quả như: mít thái, sầu riêng, hoặc cây công nghiệp như: cacao, điều…
Không thuê được nhân công, gia đình ông Võ Công Tường (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) đang chạy đua với thời gian để kịp mùa vụ. |
LẤY CÔNG LÀM LÃI
Theo các hộ trồng tiêu trên địa bàn tỉnh, năm nay giá tiêu có cải thiện. Thương lái đang thu mua tiêu ở mức 50-53 ngàn đồng/kg, cao hơn gần 10 ngàn đồng so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, do sản lượng thấp, chí phí đầu tư cao khiến không ít người trồng tiêu rơi vào cảnh thua lỗ, chủ yếu lấy công làm lãi. Khó khăn nhất hiện nay của người trồng tiêu không chỉ là giá thành thấp, mà lao động thu hoạch tiêu cũng rất khan hiếm.
Diện tích trồng hồ tiêu hiện nay của BR-VT khoảng 11.000 ha, giảm gần 2.000ha so với năm 2019. Từng là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh, vài năm trở lại đây khi giá hồ tiêu xuống thấp, chi phí đầu tư chăm sóc, thuê nhân công ngày càng tăng cao, không mang lại hiệu quả kinh tế buộc nhiều nông dân phải chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. |
Theo ông Phạm Văn Phương, hiện các nhà vườn đang thuê công thu hoạch với giá từ 230-250 ngàn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nhân công thu hoạch cũng không hề dễ dàng. Những vụ mùa trước, vườn tiêu gia đình ông có hàng chục nhân công thu hoạch, chỉ khoảng 15-20 ngày đã xong. Năm nay, ông chỉ thuê được 4 người, để kịp thu hoạch vườn tiêu đang chín rộ, ông Phương phải huy động thêm 3 người trong gia đình. Theo ông Phương, do không thu hoạch kịp, tiêu chín rụng, ước tính hiện vườn tiêu của ông đã thất thoát khoảng 10-15%. “Nếu hết tháng này không thu hoạch xong, vườn tiêu sẽ chín và rụng hết, lúc đó không chỉ sản lượng thất thoát lớn mà thu hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Với mức giá bán so với giá thuê nhân công, chưa kể các khoản chi phí đầu tư, nhà vườn chúng tôi chỉ lấy công làm lãi, không đủ vốn. Mặc dù vậy, nông dân vẫn bắt buộc phải thu hoạch, bởi nếu không sẽ khiến chất lượng cây tiêu bị cạn kiệt, năm sau không thể ra trái”, ông Phương cho hay.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU-VĂN THÌN