Năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành công thương và các DN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “khơi thông” thị trường. Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) có hiệu lực, ngành may mặc sẽ được hưởng lợi lớn. Trong ảnh: Gia công quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH LT Garments. |
XUẤT KHẨU DẦN PHỤC HỒI
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều DN đã linh động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, đối tác mới và hình thức mới như: thay đổi mặt hàng, chuyển từ đàm phán trực tiếp sang online, chuyển từ các đơn hàng trọn gói sang các đơn hàng lẻ…
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, từ tháng 3 đến tháng 6/2020, công ty không có đơn hàng nào được xuất khẩu, doanh thu giảm đến 90%. Trong thời gian này, công ty đã chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch như khẩu trang, đồ bảo hộ… Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, từ tháng 7/2020 trở đi, các đơn hàng dần phục hồi. Hoạt động giao dịch, đàm phán của DN cũng chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và tăng từ 30% lên 80-90%. “Nhờ vậy, tính chung trong năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã phục hồi trên 80%, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 900 ngàn USD. Điều đáng mừng là hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến tháng 5/2021”, ông Quý cho hay.
Còn ông Tôn Chấn Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH LT Garments (TP. Bà Rịa) cho biết, trong tháng 2 và 3/2020, các đơn hàng xuất sang Australia bị ngừng trệ do đường biển bị hạn chế. Tuy nhiên, từ tháng 6, đường biển hoạt động bình thường, việc xuất khẩu hàng hóa ổn định trở lại nên kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của công ty vẫn tăng 30% so với năm 2019. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến giữa năm 2021. Dự báo năm 2021 sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 60%.
Theo đánh giá của Sở Công thương, năm 2020, mức tăng trưởng xuất khẩu so với những năm trước không cao nhưng vẫn tăng gần 6,55% với tổng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí hơn 5,3 tỷ USD. Công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 94,16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tăng 8,94% so với năm 2019. Một số nhóm hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh như: phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,7 lần; túi xách, ví, vali, mũ và dù tăng 68,68%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 46,96%; sắt thép tăng 24,19%; phân bón tăng 44,41%; hàng dệt may tăng 14,54%...
TẬN DỤNG CƠ HỘI MỚI
Năm 2020, cơ cấu và tỷ trọng hàng xuất khẩu của tỉnh tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp nên hàng hóa của tỉnh có điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Có được kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của DN còn là nhờ Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP và gần nhất là UKVFTA, giúp đa dạng hóa thị trường và thêm nhiều đối tác.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT cho biết, EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020, đã đem lại hiệu ứng tích cực ngay cho ngành thủy sản với thuế quan được giảm dần. Cụ thể, khách hàng của công ty khi mua hàng tại Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu trước đây phải đóng thuế từ 12 đến 15% thì nay chỉ còn từ 1-2% và tiến tới sẽ về 0%. Đây là điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của công ty cạnh tranh được với các mặt hàng cùng chủng loại từ các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định FTA giữa Việt Nam và châu Âu, Anh, ASEAN… cũng tạo hiệu ứng tích cực để hàng hóa Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng có mặt ở những thị trường vốn được coi là khó tính.
Ông Nguyễn Văn Quý nhận định, nếu như năm 2021, dịch COVID-19 trên thế giới được kiểm soát tốt thì dự báo đến quý II/2021, kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi và quý III trở đi sẽ có bước chuyển mới. Vì vậy, công ty đã chủ động nhập nguyên liệu, duy trì lực lượng lao động lành nghề, có kỹ năng tốt, tích cực chuyển đổi số để nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, để khi dịch ổn định có thể bắt tay vào thực hiện được các đơn hàng.
Theo bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN ổn định sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tìm kiếm và mở rộng thị trường thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, hợp tác giao thương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh và Bộ Công thương đề xuất biện pháp hỗ trợ.
“Xuất khẩu vẫn được coi là trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán, giúp nâng vị thế của hàng hóa tỉnh BR-VT nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Hoạt động xuất khẩu của tỉnh năm 2020 vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định là tiền đề quan trọng để BR-VT tiếp tục thực hiện các mục tiêu năm 2021 và giai đoạn tiếp theo. Năm 2021, dự kiến kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí của tỉnh đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 6,95% so với năm 2020”, bà Hảo nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU